Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 04/01/2025 15:07 (GMT +7)
Hội thảo về Biển Đông tại Mỹ
Thứ 4, 21/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Ngày 20/10, Viện Chính sách Đối ngoại phối hợp với Liên minh Biển và Đại học John Hopkins của Mỹ đã tổ chức thảo luận về tình hình an ninh và diễn biến gần đây ở Biển Đông.
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Châu Viên, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: SIA |
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, cuộc hội thảo với chủ đề “An ninh và Phát triển tại Biển Đông” đã thu hút sự tham gia của các giáo sư đầu ngành tới từ các trường đại học nổi tiếng của Mỹ, Cố vấn cấp cao của Thứ trưởng Thương mại Mỹ Sally Yozell, các tổ chức bảo vệ môi trường, viện hoạch định chính sách, đại diện đại sứ quán một số nước cùng đông đảo học giả, báo giới.
Tại cuộc hội thảo, các học giả nhất trí cho rằng khu vực Biển Đông có các tuyến đường hàng hải chiến lược của thế giới đi qua, có trữ lượng dầu khí lớn và có nguồn lợi thủy sản lớn nhất thế giới với khoảng 85% ngư dân khu vực sống dựa vào vùng biển này.
Nhà báo/nhà nghiên cứu nổi tiếng James Borton cho rằng, môi trường biển và an ninh tại Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các hoạt động thay đổi nguyên trạng thời gian qua tại vùng biển này. Ông Borton nhấn mạnh việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng ngoại giao với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Theo ông Borton, các dự án xây dựng và bồi đắp đất đá quy mô lớn trên các thực thể ở Biển Đông đe dọa nguồn tài nguyên, sự đa dạng sinh học biển, đồng thời tạo ra các mối đe dọa lâu dài đối với các rạn san hô đẹp vào bậc nhất thế giới tại đây.
Mặc dù Bắc Kinh khẳng định hoạt động của họ không ảnh hưởng tới an ninh, môi trường sinh thái biển nhưng các bằng chứng khoa học chứng minh kết quả hoàn toàn ngược lại. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tăng cường đánh bắt cá tại các ngư trường ở Biển Đông. Năm 2012, Trung Quốc đưa đội tàu đánh cá với số lượng lớn ra Trường Sa, đi cùng là một tàu chế biến tại chỗ.
Cùng chung quan điểm, Giáo sư John McManus đến từ Đại học Miami cho biết hoạt động bồi đắp đất đá và đánh bắt cá đã gây tổn hại nghiêm trọng 80km2 san hô tại quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, cựu Trung tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ Wallace Gregson Jr., Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Thái Bình Dương của tổ chức phi lợi nhuận National Interest, đánh giá những tuyên bố chủ quyền chồng chéo và hoạt động thay đổi nguyên trạng quy mô lớn ở Biển Đông thời gian gần đây đang làm gia tăng căng thẳng ngoại giao, gây bất ổn và tiềm ẩn nguy cơ xung đột trong khu vực.
Về giải pháp, các chuyên gia cho rằng để giải quyết những vấn đề trên, các bên liên quan cần ngừng ngay các hoạt động thay đổi nguyên trạng, tăng cường giáo dục nhận thức về tầm quan trọng của môi trường Biển Đông, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần tham gia và ủng hộ thành lập một “Ủy ban Đa phương Xanh” về Biển Đông; khuyến khích các nước có chủ quyền chia sẻ dữ liệu đánh bắt cá.
Ý kiến ()