Thứ Bảy, 11/01/2025 09:10 (GMT +7)

Iran yêu cầu Saudi Arabia chấm dứt các hành động đối đầu

Thứ 5, 07/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ngày 6/1, Iran tiếp tục lên tiếng yêu cầu Saudi Arabia không “đổ thêm dầu vào lửa” và chấm dứt những hành động đối đầu với Tehran.

Người biểu tình phản đối giáo sĩ tại Baghdad, Iraq ngày 3/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Iraq Ibrahim al-Jaafari tại thủ đô Tehran, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhấn mạnh, trong hơn hai năm rưỡi qua, Saudi Arabia luôn đối đầu với Iran, bao gồm việc phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran ký với nhóm P5 1, thực hiện các biện pháp chống lại người dân Iran thông qua việc duy trì giá dầu ở mức thấp. Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh “cần chấm dứt xu hướng gây thêm căng thẳng… và cần ngăn chặn những ai có hành động đổ thêm dầu vào lửa”.

Hôm 5/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố Iran luôn muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, kể cả Saudi Arabia. Nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh cách tốt nhất để giải quyết tranh cãi là thông qua các biện pháp ngoại giao và chính trị. Tổng thống Rouhani cũng cho rằng tình hình nghiêm trọng hiện nay trong khu vực đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước chống chủ nghĩa khủng bố.

* Trong diễn biến liên quan, ngày 6/1, Qatar đã triệu hồi đại sứ nước này tại Iran về nước nhằm phản đối vụ người biểu tình Iran tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran hôm 2/1. Trước đó, Jordan đã triệu Đại sứ Iran tại Amman tới cũng với lý do trên.

Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran đã ảnh hưởng đến một loạt mối quan hệ song phương của Tehran. Hiện Saudi Arabia, Bahrain, Sudan và Djibouti đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, trong khi Kuwait đã triệu Đại sứ của mình tại Iran về nước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 6/1 đã từ chối lên án Saudi Arabia về việc hành quyết 47 giáo sỹ, trong đó có Giáo sỹ nổi tiếng dòng Shiite Nimr al-Nimr, đồng thời nói rằng đây là “vấn đề pháp lý nội bộ” của Vương quốc này.

Trong một phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ khi nổ ra cuộc tranh cãi gây ra những căng thẳng ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran liên quan đến vụ hành quyết, ông Erdogan nói: “Vụ hành quyết ở Saudi Arabia là một vấn đề pháp lý mang tính nội bộ. Bạn có chấp nhận quyết định đó hay không là một vấn đề hoàn toàn khác”. Tổng thống Erdogan cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng vụ hành quyết của Saudi Arabia là nhằm kích động căng thẳng với những người Hồi giáo dòng Shiite, đồng thời lên án các vụ tấn công nhằm vào phái bộ ngoại giao của Saudi Arabia ở Tehran là “không thể chấp nhận được”.

Trong một dấu hiệu mới về mối quan hệ nồng ấm giữa Ankara và Riyadh, Tổng thống Erdogan hồi tháng trước đã có chuyến thăm tới Saudi Arabia và có các cuộc hội đàm với Quốc vương Salman và các quan chức cấp cao của nước chủ nhà.

Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, hai quốc gia có số người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đại đa số, có chung quan điểm về cuộc xung đột ở Syria khi cùng cho rằng chỉ có lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad mới có thể giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm ở nước này.

TTXVN/Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu