Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 02:18 (GMT +7)
Italy, Đức cảnh giác trước các ca mắc COVID-19 nhập cảnh
Thứ 5, 13/08/2020 | 16:04:00 [GMT +7] A A
Chính phủ Italy đã quyết định tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối tới tất cả những người trở về từ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Malta và Croatia.
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay Fiumicino ở Rome, Italy. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Quyết định được đưa ra tối 12/8 sau cuộc họp khẩn giữa bộ trưởng y tế và bộ trưởng phụ trách các vấn đề vùng miền cùng những người đứng đầu chính quyền 20 vùng của Italy. Cuộc họp được tiến hành trong bối cảnh Italy ghi nhận một số ca nhiễm mới là người trở về từ các nước châu Âu nói trên.
Cụ thể, Bộ Y tế Italy cho biết người nhập cảnh có 3 lựa chọn hình thức xét nghiệm, gồm xét nghiệm nhanh tại sân bay, cảng biển và nhà ga tàu; xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ sau khi nhập cảnh, hoặc xuất trình chứng nhận xét nghiệm có kết quả âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh Italy. Để triển khai công tác xét nghiệm này, Bộ Y tế Italy đã chỉ thị các vùng sẵn sàng cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu để tiến hành các xét nghiệm nói trên.
Số liệu báo cáo của Chính phủ Italy cho thấy tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang ổn định, song có nhiều lo ngại về những ca nhiễm nhập cảnh sau khi phát hiện nhiều ổ dịch mới trên cả nước trong vài tuần qua. Ngày 12/8, có 10 người ở vùng Lombardy có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau chuyến du lịch Croatia. Trước đó, Italy cũng phát hiện nhiều ca nhiễm mới khác trở về từ Hy Lạp, Croatia, Tây Ban Nha, Malta, Ukraine, Romania và Pakistan.
Trong khi đó, Đức ngày 12/8 đã đưa thủ đô Bucharest của Romania và 10 khu vực khác của nước này vào danh sách các điểm có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, đồng thời khuyến cáo hạn chế qua lại các địa điểm này. Theo đó, những người đến Đức sau khi thăm những địa điểm nói trên sẽ phải tiến hành xét nghiệm và cách ly nếu có kết quả dương tính. Bộ trưởng Lao động Đức đã hủy chuyến công tác tới Bucharest.
Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức đang cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát mà nguyên nhân chủ yếu do lưu lượng người đi lại giữa các nước trong kỳ nghỉ Hè. Ngày 12/8, Đức ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ đầu tháng 5, với 1.226 ca. Bộ trưởng Y tế Đức coi đây là con số đang lo ngại, đồng thời kêu gọi người dân cảnh giác cao độ trong phòng chống dịch bệnh.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng trở lại, Thụy Sĩ ngày 12/8 thông báo gia hạn lệnh cấm tổ chức các sự kiện có hơn 1.000 người tham gia, đến ngày 1/10, thay thế lệnh hết hiệu lực vào ngày 31/8. Quyết định này đã dẫn tới việc phải hủy bỏ Giải đua xe đạp thế giới, trong khi Giải bóng đá vô địch quốc gia và Giải đấu khúc côn cầu trên băng cân nhắc lại thời điểm khởi tranh.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, học sinh, sinh viên sẽ quay trở lại trường học vào cuối tháng 9 tới, tức là chậm gần 1 tháng so với kế hoạch trước đó. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn lo ngại về tình hình dịch bệnh tại nước này khi số ca nhiễm mới trong ngày liên tục duy trì ở mức 4 con số trong hơn 1 tuần qua, mặc dù thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh dịch vào tháng 4 – thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận trên 5.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Các trường học của Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa từ tháng 3 đến nay trong bối cảnh Chính phủ nước này triển khai các biện pháp phòng dịch COVID-19.
Tại Peru, Tổng thống Martin Vizcarra ngày 12/8 quyết định khôi phục lệnh giới nghiêm vào Chủ Nhật hằng tuần trên cả nước để ngăn chặn sự lây lan của virus, theo đó người dân phải ở trong nhà ngày nghỉ cuối tuần. Kể từ khi Chính phủ Peru gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, số ca nhiễm mới trong ngày đã tăng từ 3.300 lên 7.000 ca.
Peru đã thực hiện lệnh giới nghiêm vào các ngày Chủ nhật hồi tháng 4 vừa qua, vài tuần sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Theo lệnh giới nghiêm, chỉ những người làm việc trong những ngành đặc thù, như bệnh viện, mới được phép ra khỏi nhà. Cho đến nay, lệnh giới nghiêm ban đêm được thực hiện từ 16/3 vẫn được duy trì, biên giới vẫn đóng cửa, trong khi các trường học ngừng hoạt động cho đến hết năm 2020.
Tại New Zealand, thêm 1 ca nhiễm mới tại thành phố Auckland sau 4 ca dương tính trước đó được ghi nhận cũng tại thành phố này. Theo giới chức y tế New Zealand, ca nhiễm mới là một học sinh trung học, có tiếp xúc gần với một trong 4 ca mới phát hiện ngày 11/8, chấm dứt chuỗi 102 ngày New Zealand không có ca nhiễm mới nào.
https://baotintuc.vn/the-gioi/italy-duc-canh-giac-truoc-cac-ca-mac-covid19-nhap-canh-20200813112553735.htm
Ý kiến ()