Chủ Nhật, 19/01/2025 07:00 (GMT +7)

Khai mạc hội nghị thượng đỉnh 4 bên bàn về tương lai Liên minh Châu Âu

Thứ 3, 07/03/2017 | 08:33:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Hội nghị thượng đỉnh 4 bên tại Versailles là cuộc họp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tương lai của Liên minh Châu Âu.

Vào thời điểm chính trường Pháp đang vô cùng biến động như hiện nay với cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp thì Hội nghị thượng đỉnh bốn bên khai mạc hôm 6/3 tại thành phố Versailles, ngoại ô thủ đô Paris, dường như ít được chú ý.

Tuy nhiên, đây lại là cuộc họp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tương lai của Liên minh Châu Âu bởi đây là lần đầu tiên cơ chế bộ tứ, tập hợp lãnh đạo cấp cao các nước Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha, được sử dụng để bàn thảo về tương lai của Liên minh Châu Âu.

Sau khi nước Anh quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu bằng sự kiện Brexit gây chấn động hồi tháng 6/2016 thì trong tương lai, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha chính là 4 nền kinh tế lớn nhất của Liên minh Châu Âu và cũng là 4 quốc gia có tiếng nói quyết định đến tương lai của Khối.

Cuộc gặp ở Versailles, vì thế, được coi là sẽ định hình chiến lược cho Liên minh Châu Âu trong giai đoạn vô cùng khó khăn trước mắt, bắt đầu là việc cuối tháng 3 này nước Anh sẽ chính thức kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon để thực thi Brexit, tiếp đến là các cuộc bầu cử quan trọng ở Pháp và Đức.

Ngoài ra, các chủ đề rất quan trọng khác như quan hệ giữa Liên minh Châu Âu với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump hay với Nga cũng sẽ được bàn thảo.

Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn những tờ báo lớn của Châu Âu trước thềm Hội nghị Versailles, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đề cập đến một trong những chủ đề được nói đến nhiều nhất hiện nay trong nội bộ Liên minh châu Âu: đó là Châu Âu 2 tốc độ, tức là Liên minh Châu Âu sẽ tái tổ chức lại các thiết chế của mình để hình thành 2 nhóm thành viên với các tốc độ phát triển và mức độ cam kết khác nhau, nhóm 1 gồm các thành viên cốt lõi đã tham gia xây dựng Liên minh châu Âu ngay từ đầu, gồm các nước như Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Tây Ban Nha… còn nhóm 2 là các nước thành viên gia nhập sau này, chủ yếu là các nước Đông Âu.

Chủ đề này đã được phân tích rất nhiều trong thời gian qua và nhiều chính trị gia hàng đầu ở Tây Âu đều cho rằng đã đến lúc Liên minh Châu Âu phải mạnh dạn phân chia khối ra làm các nhóm có tốc độ phát triển khác nhau bởi thực tế cuộc khủng kinh tế – chính trị sâu sắc với Liên minh Châu Âu gần 1 thập kỷ qua cho thấy, với 27 nước thành viên được quy định có vai trò, tiếng nói cũng như mức độ cam kết như nhau, Liên minh Châu Âu hầu như rơi vào bế tắc và bị phong toả trong các quyết sách quan trọng nhất như về nợ công Hy Lạp, khủng hoảng tị nạn, chính sách an ninh chung…

Vì thế, hội nghị thượng đỉnh bộ tứ ở Versailles ngày 6/3 được xem là sẽ đưa chủ đề Liên minh Châu Âu nhiều tốc độ ra bàn giữa các thành viên quan trọng nhất để có thể đến Hội nghị thượng đỉnh Roma hôm 25/3 nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Liên minh Châu Âu, việc này sẽ chính thức được cả 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu bàn thảo./.

Thùy Vân/VOV-Paris

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu