Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 12:52 (GMT +7)
Khó có thỏa thuận FTA nào có thể thay thế được TPP
Thứ 3, 14/02/2017 | 16:57:00 [GMT +7] A A
Một hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không thể thay thế được Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vì giá trị chiến lược của thỏa thuận này.
Ông Evan Medeiros (ảnh) nhận định rằng khó có một FTA nào có thể thay thế được TPP.
Đây là nhận định được ông Evan Medeiros, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, đưa ra ngày 13/2 tại cuộc hội luận của những chuyên gia hàng đầu về quan hệ Mỹ-Trung Quốc dưới thời Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Được cho là một kiến trúc sư chính trong chiến lược tái cân bằng về châu Á của Mỹ, ông Medeiros giải thích rằng giá trị chiến lược của TPP không những là Tổ chức Thương mại Thế giới mở rộng với những “rào cản đằng sau biên giới” được loại bỏ, mà hiệp định này còn có thể “thực sự thay đổi luật chơi về cách thức mà các nước sẽ xúc tiến thương mại và đầu tư, đặc biệt với tất cả những lĩnh vực mới như nền kinh tế kỹ thuật số”.
Cựu cố vấn hàng đầu về chính sách châu Á của cựu Tổng thống Obama cũng cho rằng đối với Việt Nam và Malaysia, sẽ khó có một FTA nào có thể thay thế được TPP nếu thỏa thuận thương mại này mất đi.
Trước đó, trong ngày làm việc chính thức đầu tiên tại Phòng Bầu dục hôm 23/1, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại đầy tham vọng mà người tiền nhiệm của ông đã thương thuyết với 11 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương.
Hành động này phần nào hiện thực hóa cam kết của ông Trump lúc vận động tranh cử là chấm dứt những thỏa thuận thương mại quốc tế mà ông cho là gây phương hại cho khu vực sản xuất của Mỹ và cướp công ăn việc làm của người dân nước này.
TPP bao gồm các thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Mỹ và 11 nước đối tác đạt được thỏa thuận TTP hồi tháng 10/2015.
Thỏa thuận này đang trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Hiện nhiều nước thành viên TPP đang cân nhắc khả năng triển khai hiệp định này mà không cần sự tham gia của Mỹ.
Ý kiến ()