Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 02:46 (GMT +7)
Khởi công dự án thủy lợi phía Tây sông Vàm Cỏ Đông
Thứ 6, 27/04/2018 | 17:09:00 [GMT +7] A A
Ngày 27/4, tại ấp Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh Tây Ninh khởi công dự án xây dựng công trình tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.
Lễ khởi công dự án thủy lợi phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.
Công trình đưa nước về phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước cho sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, sinh hoạt cho người dân thuộc 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu của tỉnh Tây Ninh.
Dự án gồm kênh chuyển nước từ hồ Dầu Tiếng sang dài 16,6 km (trong đó công trình vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,3 km), kênh tưới chính dài 29,4 km, kênh cấp 1 dài 71,7 km. Trên các kênh chuyển nước, kênh tưới chính và kênh cấp 1 còn có các công trình như cầu máng, cống qua đường, cầu qua kênh, cống điều tiết, cống tiêu luồn, tràn bên, cống lấy nước, tràn cuối kênh. Tổng nguồn vốn cho dự án gần 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 650 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.
Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp các xã phía Tây thuộc 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu bị chia cắt với hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng bởi con sông Vàm Cỏ Đông, vào mùa khô nơi này thường thiếu nước nghiêm trọng. Nguồn nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt chủ yếu dựa vào sông Vàm Cỏ Đông bằng các trạm bơm không ổn định, chi phí lớn; không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đời sống của người dân.
Việc đầu tư dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, đưa nước từ hồ Dầu Tiếng (từ kênh Tây và kênh TN 21) vượt qua sông Vàm Cỏ Đông nhằm cung cấp nước tưới chủ động cho sản xuất nông nghiệp thuộc 2 huyện biên giới khó khăn Châu Thành và Bến Cầu là hết sức cần thiết, tương lai sẽ biến nơi này thành vùng nông nghiệp trù phú; đầy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị và phát triển hàng hóa bền vững, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn, biên giới.
Ý kiến ()