Trưa cuối tháng 5, anh Ngô Xuân Điền, 28 tuổi cùng người bạn loay hoay sửa chữa để mở rộng diện tích trang trại nấm linh chi của mình trên đường Võ Văn Kiệt ở quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ). Anh cho biết, trang trại vừa dời về đây, hiện tại mới xây dựng xong một phòng trồng nấm linh chi và một phòng lạnh nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Nấm ra đều, đẹp và bắt mắt. “Để được như vậy tụi mình phải nhiều lần thất bại”, anh Điền nói.
Cơ duyên
Anh kể, cách đây 4 năm lúc mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM chuyên ngành điện, điện tử, mặc dù đã có công việc ổn định UBND phường Trà An (Bình Thủy, Cần Thơ) nhưng anh và bạn học đại học là Châu Trọng Hữu bàn với nhau tìm hướng để có thêm thu nhập. Qua nhiều kênh thông tin, cuối cùng anh Điền đến với trồng nấm. Nấm linh chi đỏ và đông trùng hạ thảo là loại dược liệu tốt điều trị ung thư và nhiều loại bệnh khác.
Anh Điền cho biết, thời điểm từ khi bắt đầu đến năm 2015 là khó khăn nhất. “Hai kỹ sư điện chẳng có kiến thức cơ bản nào về nấm, thuận lợi không có, khó khăn thì chồng chất, tất cả đều tự tìm hiểu. Đồng thời, cũng chả có ai lúc đó chỉ bảo hay hướng dẫn cho tụi tôi, trong khi thời điểm đó người tiêu dùng vẫn chưa biết nhiều về nấm nên trong vòng 2 năm đó tụi tôi thất bại khá nặng. Nấm lúc đó ra ít, năng suất không cao, bệnh tật nhiều…”, anh Điền nói.
Theo anh Điền, 2 vụ trồng đầu tiên thiệt hại gần 100 triệu đồng. Không bỏ cuộc, anh tiếp tục mày mò và sau đó thành công. Nấm với số lượng lớn đã được tung ra thị trường. Anh trồng thêm nấm rơm và nấm bào ngư xám để có thu nhập, quay vốn hằng ngày. “Về đầu ra thời đó tụi tôi chỉ bỏ nhỏ lẻ cho các chợ, nấm ra không đúng thời điểm nên hay bị được mùa mất giá và vào thời điểm đó có rất nhiều trại nấm cũng xuất bán dẫn đến cạnh tranh khá gay gắt nhưng tụi tôi vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng. Dần dần tụi tôi rút được kinh nghiệm, năng suất nấm ngày càng cao”, anh Điền kể.
Là người “tay ngang”, anh Điền phải đi đến những nơi làm nấm tại các khu vực lân cận, lên Đồng Nai tham quan, học hỏi. “Tuy nhiên, người ta rất ngại dạy bí quyết cho mình, nên chúng tôi phần lớn là phải tự học trên mạng, sách vở”, anh Điền nói.
Hiện tại, ngoài trồng nấm linh chi, bào ngư xám để bán nấm thương phẩm, anh Điền còn làm rượu nấm, kiểng nấm từ nấm linh chi. “Làm nông nghiệp ở thành phố đòi hỏi mình phải nghiên cứu để phát triển mô hình không cần nhiều đất đai nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, đó phải là những sản phẩm sạch và ít đụng hàng. Hơn nữa, làm nghề này phải tỉ mỉ từ nguồn nước cho đến nguyên liệu, đảm bảo sạch và an toàn”, anh Điền nói.
Tận dụng mạng xã hội
Anh Điền cho biết, đến cuối năm 2015, khi khá tự tin với kinh nghiệm và tỉ lệ thành công khi trồng, anh mới bắt đầu công bố thông tin, mời mọi người đến tham quan trại. Anh Điền kể, lúc đó trại còn bé nằm ở hẻm 122, đường Nguyễn Thông. Từ đó trang trại được nhiều người biết tới, kết quả kinh doanh ngày càng tốt. Sản phẩm làm ra không đủ để bán. Nấm linh chi mỗi vụ bán được hơn trăm ký với giá 800.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm lời khoảng 400 triệu đồng.
Khi được hỏi về việc tiêu thụ sản phẩm, anh Điền nói: “Tôi tận dụng mạng xã hội Facebook để quảng bá. Đồng thời, tổ chức những đợt tham quan mô hình, cho khách hàng đến tận trang trại để xem sản phẩm”.
Trước nhu cầu thị trường ngày càng tăng, anh Điền thuê thêm mảnh đất trên đường Võ Văn Kiệt với diện tích 3.000 m2. Anh dự định, sẽ cho xây dựng 3 – 6 trại lá dưới đất và 5 nhà lạnh để trồng càng nhiều loại nấm càng tốt. Hiện tại, anh Điền nghiên cứu xong 32 loại nấm. Tuy nhiên, điều kiện thực tiễn hiện tại chỉ cho phép ra mắt 5 loại mỗi năm. Cùng lúc, anh Điền cũng đã đưa đông trùng hạ thảo vào sản xuất sau hơn 2 năm nghiên cứu./.
Ý kiến ()