Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 02:01 (GMT +7)
Làm nông nghiệp công nghệ cao để thoát cảnh ‘được mùa, mất giá’
Thứ 2, 22/05/2017 | 10:22:00 [GMT +7] A A
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là phù hợp với xu thế chung, giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam khắc phục được những bất cập hiện hữu.
Vườn rau công nghệ ở Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN |
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những khó khăn mang tính hệ thống và là hệ quả tất yếu do sự tăng trưởng tự phát. Đó là xuất khẩu ít đem lại giá trị gia tăng; nhiều sản phẩm xuất khẩu thô có nguy cơ thua lỗ do chi phí cao, không cạnh tranh được với thế giới; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định kể cả ở trong nước lẫn xuất khẩu.
Vì thế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao chính là giải pháp tối ưu để khắc phục những nguy cơ và thực trạng nêu trên. Tuy nhiên, hướng đi nào đảm bảo sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững là điều thu hút mối quan tâm của dư luận xã hội và có nhiều quan điểm trái chiều với các nhà quản lý.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời phỏng vấn TTXVN về vấn đề này:
Phát triển nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tập trung đang trở thành xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Quan điểm của Thứ trưởng về điều này như thế nào?
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một chủ trương đúng đắn và đáng lý cần được triển khai sớm. Điều này không chỉ phù hợp với xu thế chung mà còn giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam khắc phục được những bất cập hiện hữu; đồng thời, giúp nông dân Việt Nam tránh tình cảnh “được mùa, mất giá” và ngược lại như lâu nay thường thấy. Chỉ có làm nông nghiệp công nghệ cao mới đem lại sự thịnh vượng và đời sống ấm no cho người dân.
Mới đây, tôi đã có dịp thăm và làm việc với nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Tôi thực sự ấn tượng về những cánh đồng hoa, cánh đồng rau được đầu tư trang thiết bị hiện đại và vận hành tự động không khác gì ở châu Âu. Tinh thần lao động sáng tạo của người Việt Nam và khả năng năng tiếp thu ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến của những người công nhân làm nông nghiệp thật đáng tự hào. Đó không còn là những mô hình mà đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở Lâm Đồng, mà còn lan sang rất nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam, phía Bắc…
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nào là điều cần bàn và cân nhắc kỹ lưỡng. Vì đây là trách nhiệm lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương. Bởi nếu không giải quyết tốt những vấn đề liên quan như cách thức xây dựng quan hệ đối tác giữa các chủ thể tham gia; ai sẽ là đại diện sở hữu đất đai để tập trung sản xuất và các điều kiện như thế nào thì được hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước… sẽ rất khó đạt được mục tiêu cuối cùng mà nông nghiệp công nghệ cao hướng tới đó là ổn định và bền vững lâu dài.
Thứ trưởng vừa nhắc tới cách thức xây dựng quan hệ đối tác giữa các chủ thể tham gia trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể là doanh nghiệp và người dân?
Đúng vậy! Trong mối quan hệ này thì người dân nắm vai trò là người sản xuất vệ tinh và thông qua đại diện là hợp tác xã. Hợp tác xã là một pháp nhân và là đối tác tương xứng với bên doanh nghiệp. Xây dựng mối quan hệ đối tác lành mạnh giữa doanh nghiệp và người dân sẽ thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao nhanh đạt tới đích.
Mô hình trồng rau theo công nghệ cao với hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương bán tự động theo công nghệ của Israel do Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện tại Trung đoàn Minh Đạm (xã Tam Phước, huyện Long Điền) và phường Long Tâm, TP Bà Rịa. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN |
Nhiều quốc gia trên thế giới đều phát triển nông nghiệp theo hướng này. Họ chú trọng gây dựng quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và người dân, tạo nên sự đồng thuận để tập trung ruộng đất vào sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đồng thuận cùng ứng dụng phương thức canh tác và đưa các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Vì thế, giúp tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm; đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản.
Bạn thấy đấy, Sữa cô gái Hà Lan hay Sữa Meiji đều là những sản phẩm của hợp tác xã và đã trở thành thương hiệu toàn cầu. Nhưng rất ít người biết rằng đây là sản phẩm của hợp tác xã. Cho đến giờ vẫn là hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Tôi hoàn toàn ủng hộ phương thức này và cần phải đề cao vai trò hợp tác trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người dân.
Chính phủ chủ trương mở rộng hạn điền, tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên, đây cũng là điểm nghẽn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bởi những vướng mắc liên quan tới hạn điền, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc chuyển đổi cây trồng….. Quan điểm của Thứ trưởng thì sao?
Chủ trương của Chính phủ đem lại nhiều lợi ích cho phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Các doanh nghiệp sẽ được tạo nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai; được hưởng các cơ chế tín dụng ưu đãi; được khuyến khích đầu tư công nghệ… trong sản xuất nếu hội tụ đủ các tiêu chí theo yêu cầu.
Tuy nhiên điều đáng lo lắng là nếu chỉ tích tụ ruộng đất và tăng sở hữu cho doanh nghiệp tư nhân hay tập trung cho một nhóm người thì nguy cơ sẽ dẫn tới hệ lụy người dân mất đất. Sự ổn định xã hội sẽ không được đảm bảo. Điều đó ảnh hưởng lớn và cũng là hướng phát triển không bền vững.
Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, họ không đi theo hướng tích tụ ruộng đất theo cách chuyển đổi chủ sở hữu, mà họ chỉ tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn nhằm tạo điều kiện đưa các tiến bộ khoa học công nghệ vào ứng dụng.
Cần lưu ý rằng, có thể nhiều trường hợp, sau này doanh nghiệp tư nhân sẽ không làm nông nghiệp nữa mà chuyển sang đô thị hóa để ăn chênh lệch địa tô, thì sao? Đó là điều cần cân nhắc, tính toán để không chỉ hài hòa lợi ích của các bên, các chủ thể tham gia mà còn đảm bảo tính ổn định, lâu dài của chính sách đất đai.
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương trong thời gian tới, định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là gì, thưa Thứ trưởng?
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cân đối, bố trí và hướng dẫn sử dụng vốn để triển khai, thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các chương trình, dự án thuộc Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 theo Quyết định 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao nhiệm vụ phát triển hợp tác xã theo mô hình kiểu mới để hỗ trợ cho việc sản xuất tập trung theo quy mô lớn, song song với việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực kết nối với các địa phương và cũng đánh giá cao sự thay đổi nhận thức của các địa phương trong việc thấy rõ tính cần thiết phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.
Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã cùng chúng tôi nghiên cứu, đánh giá những mặt hàng nông sản là cây, con, quả, trái vốn là đặc sản và thế mạnh của mình; đồng thời, xây dựng các chương trình để xúc tiến thu hút doanh nghiệp vào đầu tư như ở Bình Thuận, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh… dành nhiều ưu đãi, cơ chế khuyến khích để thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp đủ năng lực về trình độ và công nghệ.
Điều này cho thấy những tín hiệu đáng mừng cho tương lai của nông nghiệp công nghệ cao. Biết đâu, tới đây làn sóng nông nghiệp công nghệ cao sẽ phát triển mạnh mẽ, ngoài sức tưởng tượng. Tôi hy vọng như thế!
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng !
Ý kiến ()