Tổng thống Donald Trump bị dồn ép?
Với tỉ lệ ủng hộ áp đảo (419-3), Hạ viện Mỹ đã thông qua gói trừng phạt nhằm vào các nước như Nga, Iran và Triều Tiên. AFP dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt lần này là nhằm “siết chặt kiểm soát đối với những kẻ thù nguy hiểm nhất của Mỹ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ”.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce cảnh báo: “Nếu để Nga mặc sức hành động, nước này sẽ tiếp tục có những hành động khiêu khích nguy hiểm nhằm vào Mỹ”.
Sau khi được Hạ viện Mỹ thông qua, dự luật này sẽ được trình lên Thượng viện Mỹ để xem xét và bỏ phiếu trước khi đến tay Tổng thống Donald Trump.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ phải đối mặt với một lựa chọn rất khó khăn là có nên phủ quyết dự luật nói trên hay không dù chính ông từng nhiều lần lên tiếng phản đối gay gắt dự luật này.
Hơn ai hết, Tổng thống Mỹ hiểu rằng, việc thông qua dự luật này sẽ “trói tay trói chân ông” trong việc cải thiện quan hệ với Nga trong tương lai cũng như kiến ông phải chấp nhận “nằm trong vòng kiềm tỏa” của Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Donald Trump không có nhiều lựa chọn trong việc này bởi ông đang phải đối mặt với sự thống nhất gần như tuyệt đối của Quốc hội Mỹ trong việc áp đặt lệnh trừng phạt Nga.
Thái độ lưỡng lự của ông Donald Trump trong việc phê chuẩn dự luật này thể hiện rõ trong phát ngôn của Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders rằng Tổng thống “đang xem xét dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua và chờ đợi dự luật này chính thức được đặt lên bàn Tổng thống”.
Dù vậy, ngay cả khi ông Donald Trump quyết định phủ quyết dự luật nói trên, Quốc hội Mỹ cũng vẫn có thể đảo ngược được quyết định của ông Donald Trump nếu có hơn 2/3 nghị sĩ tại cả 2 viện bỏ phiếu chống lại quyền phủ quyết của Tổng thống. Điều này rất dễ xảy ra nếu xét đến tỷ lệ chênh lệch quá lớn từ kết quả phiếu bầu ở Hạ viện Mỹ.
Quan hệ Nga-Mỹ sẽ bị cắt đứt hoàn toàn?
Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã lên tiếng cảnh báo rằng, Washington đã “được nhắc nhở hàng chục lần” rằng, Nga sẽ “không im lặng” trước bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ.
“Những kẻ soạn thảo và bảo trợ cho dự luật này đang tiến một bước chắc chắn đến việc hủy hoại triển vọng bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ”, ông Ryabkov nhấn mạnh.
Quan hệ Nga-Mỹ đã xuống đến mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Trong suốt quá trình vận động tranh cử cũng như sau khi đã lên làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã nhiều lần cam kết sẽ tìm cách cải thiện quan hệ Nga-Mỹ. Điều này khiến nhiều chuyên gia tin rằng, ông sẽ rút lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có từ thời Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, việc các cơ quan tình báo Mỹ đồng loạt cáo buộc Điện Kremlin can thiệp vào bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ông Donald Trump đã khiến mọi ý định cải thiện quan hệ Nga-Mỹ của ông “tan thành mây khói” bởi các nghị sĩ Mỹ ở cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều quyết tâm trừng phạt Nga.
Đến châu Âu cũng phải lo ngại
Không chỉ ông Donald Trump hay Nga cảm thấy “khó chịu” trước động thái quyết liệt của Quốc hội Mỹ trong việc trừng phạt Nga mà cả EU cũng lên tiếng phản đối dữ dội.
Trong một tuyên bố phát đi từ Brussels ngày 26/7, giới chức EU đã chính thức “bày tỏ quan ngại về hệ lụy từ việc trừng phạt Nga đến sự độc lập về năng lượng của EU”.
Dù Hạ viện Mỹ đã “xuống nước” bằng việc thay đổi dự luật trừng phạt Nga theo hướng chỉ nhằm vào những đường ống dẫn khí đốt chạy trực tiếp từ Nga sang châu Âu và bỏ qua đường ống khí đốt chuyển khí đốt từ Kazakhstan đến châu Âu, Brussels vẫn không khỏi lo ngại rằng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lược ở châu Âu có làm ăn với Nga “sẽ lĩnh hậu quả đầu tiên”.
Tuyên bố chung của EU sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga nêu rõ: “Tùy thuộc vào việc thực thi như thế nào, dự luật này có thể gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng vận chuyển năng lượng từ Nga sang châu Âu”, trong đó có những đoạn chạy qua Ukraine.
Brussels cũng nhấn mạnh rằng, dự luật trừng phạt Nga là “một hành động đơn phương của Mỹ” làm gián đoạn sự hợp tác giữa Mỹ và EU trong việc triển khai các biện pháp trừng phạt Nga khiến EU chịu tổn thất nặng nề về kinh tế.
EU và Mỹ thống nhất trừng phạt Nga từ năm 2014, sau vụ Nga sáp nhập Crimea. Sau đó, cả Mỹ và EU quyết định mở rộng các lệnh trừng phạt về kinh tế nhằm vào Nga sau vụ máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines bị bắn hạ trên bầu trời miền Đông Ukraine với cáo buộc phiến quân do Nga hậu thuẫn đã làm điều này, dù Nga nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên./.
V0V-VN
Ý kiến ()