Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 10/01/2025 02:13 (GMT +7)
Liên hợp quốc đang 'rối loạn' vì cuộc chiến Israel - Hamas
Thứ 3, 07/11/2023 | 16:53:05 [GMT +7] A A
Cuộc xung đột Israel - Hamas đang gây chia rẽ nghiêm trọng tại Liên hợp quốc (LHQ), làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nhân đạo và y tế của tổ chức này.
Theo bình luận của tờ Politico (Mỹ) mới đây, tình trạng căng thẳng giữa Israel với người Palestine đã tồn tại từ lâu, nhưng nó hiếm khi gây ra nhiều sự rối loạn đối với Liên hợp quốc (LHQ) như cuộc xung đột đang diễn ra lần này.
Sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, các quan chức Israel đã kêu gọi Tổng Thư ký LHQ từ chức, cáo buộc ông thể hiện “lòng trắc ẩn” đối với Hamas trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an, trong khi các nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an LHQ (vốn đang bị tê liệt) tiếp tục tranh cãi về cuộc chiến.
Và mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi số lượng thương vong ngày càng tăng - trong đó khoảng 70 nhân viên LHQ. “Bạn có thể cảm nhận được sự căng thẳng đó – đây chắc chắn là một cuộc khủng hoảng lớn. Những con số thương vong thực sự đáng kinh ngạc. Điều này làm tăng thêm sự thất vọng và rối loạn tại LHQ”, một nhà ngoại giao thuộc thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ chia sẻ.
Cuộc xung đột ở Trung Đông cũng làm "sống lại" câu hỏi liệu LHQ có phải là một diễn đàn hữu ích để giải quyết vấn đề hay chỉ là một nơi để bày tỏ sự bất bình. Richard Gowan, một nhà phân tích thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của LHQ, nói rằng trong nhiều thời điểm biến động, các nhà ngoại giao của LHQ đã "đấu khẩu" công khai nhưng vẫn tỏ ra niềm nở với nhau. Tuy nhiên lần này, không khí trở nên căng thẳng hơn nhiều.
Cuộc chiến mới bắt đầu nổ ra khi Hamas tấn công vào miền Nam Israel và giết chết khoảng 1.400 người trong khi bắt hơn 200 người làm con tin. Israel kể từ đó đã bao vây Dải Gaza, tiến hành các cuộc không kích và tiến hành chiến dịch trên bộ. Theo các báo cáo, ít nhất 9.000 người Palestine được cho là đã thiệt mạng, hầu hết là dân thường.
Cuộc tấn công của Hamas ban đầu đã bị lên án từ nhiều bên trong LHQ, trong đó có cả Tổng thư ký Antonio Guterres. Nhưng Hội đồng Bảo an - cơ quan quyền lực nhất của LHQ - ngay lập tức bị chia rẽ. Trong khi Mỹ yêu cầu lên án đích danh Hamas, một số nước được cho là đã từ chối - chọn cách lên án chung chung cuộc tấn công nhằm vào dân thường.
Trong những ngày sau đó, Mỹ và Nga đã tranh cãi về nội dung các nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan đến cuộc xung đột, mỗi bên đưa ra những mô tả khác nhau về quan điểm thực sự của họ. Các thành viên khác cũng bất đồng về việc có nên kêu gọi ngừng bắn hay không, có tuyên bố rằng Israel có quyền tự vệ và đáp trả hay không.
Đặc biệt, Mỹ đã phản đối những lời kêu gọi ngừng bắn, cho rằng một động thái như vậy sẽ làm suy giảm khả năng tự vệ của Israel, thay vào đó ủng hộ “sự tạm dừng vì nhân đạo” - những khoảng thời gian tạm giao tranh có thể kéo dài chỉ vài giờ.
Nga và ở một mức độ thấp hơn là Trung Quốc - những quốc gia, giống như Mỹ, nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an - đã dẫn đầu phe phản đối Mỹ. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Brazil và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cũng có những đề xuất riêng.
Cho đến nay, chưa có nghị quyết nào liên quan đến cuộc chiến Israel - Hamas được cơ quan gồm 15 thành viên thông qua. Nghị quyết được Nga hậu thuẫn nhận được ít phiếu bầu. Một đề xuất do Brazil đưa ra giành được đủ số phiếu bầu nhưng đã bị Mỹ phủ quyết, trong khi một nghị quyết do Mỹ đề xuất cũng có đủ số phiếu ủng hộ nhưng đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết.
Nhưng Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên, nơi các cường quốc không có quyền phủ quyết, đã thông qua một cách áp đảo một nghị quyết không mang tính ràng buộc do Jordan và các quốc gia Arab khác dẫn đầu kêu gọi đình chiến nhân đạo. Biện pháp này cuối cùng đã được thông qua với 121 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 44 phiếu trắng.
Mỹ đã bỏ phiếu chống, một phần vì không đề cập cụ thể đến Hamas hoặc các con tin. Nhưng ngay cả một số đồng minh truyền thống của Mỹ như Australia và Anh cũng bỏ phiếu trắng thay vì đứng về phía Mỹ. Pháp ủng hộ nghị quyết này. Đặc biệt, các đồng minh của Mỹ phải nỗ lực để duy trì nhiều lợi ích khác nhau, bao gồm nhu cầu duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước Arab mà không nhất thiết phải làm phiền lòng Israel hay Mỹ.
Kết quả này hoàn toàn trái ngược với các nghị quyết do Mỹ dẫn đầu liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, vốn nhận được hơn 140 phiếu ủng hộ. Dmitry Polyanskiy, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga tại LHQ, cho biết Moskva không có vấn đề gì khi chỉ trích Hamas về các cuộc tấn công tàn bạo của họ, nhưng Israel và Mỹ nên thừa nhận rằng cuộc tấn công diễn ra sau hàng thập kỷ người Palestine bị Israel bao vây.
Ông Polyanskiy cũng khẳng định trong cuộc xung đột ở Ukraine, Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine chứ không phải dân thường. Ông nói: "Nếu Mỹ muốn lên án hành động tàn bạo, tại sao họ không lên án những gì Israel đang làm ở Gaza?”.
Nhưng những rạn nứt tại LHQ đang vượt ra ngoài phạm vi các quốc gia thành viên và ảnh hưởng đến các nhân viên làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau của tổ chức, chẳng hạn như các bộ phận về người tị nạn và y tế. Craig Mokhiber, một quan chức nhân quyền của LHQ, đã viết một lá thư từ chức, trong đó ông than phiền về việc LHQ đã không ngăn chặn được cái mà ông gọi là “trường hợp diệt chủng" đối với người Palestine. Bức thư nhanh chóng được công chúng biết đến và lan truyền rộng rãi.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.com)
Ý kiến ()