Thứ Tư, 15/01/2025 16:29 (GMT +7)

Liên hợp quốc gia hạn sứ mệnh Phái bộ UNSMIL tại Libya

Thứ 6, 01/10/2021 | 15:48:00 [GMT +7] A  A

Ngày 30/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua một nghị quyết gia hạn sứ mệnh Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Libya (UNSMIL) đến ngày 31/1/2022, một thời gian ngắn sau khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia Bắc Phi này.

Quyết định được công bố sau cuộc họp khẩn của 5 nước ủy viên thường trực của HĐBA gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc.

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York, Mỹ, ngày 15/9/2021. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Sứ mệnh của UNSMIL hết hạn vào cuối ngày 15/9 vừa qua. Ngay trước đó, 15 nước ủy viên HĐBA đã dự kiến gia hạn thêm một năm sứ mệnh của phái bộ này – được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ Libya trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội vào ngày 24/12 tới tại Libya.

Tuy nhiên, bất đồng đã nổ ra giữa Anh và Nga – cả hai nước thường trực đều có quyền phủ quyết trong HĐBA. Moskva không chấp thuận nội dung trong dự thảo nghị quyết trình lên HĐBA do London soạn thảo về việc rút các binh sĩ nước ngoài và lực lượng lính đánh thuê khỏi Libya cũng như vai trò của UNSMIL. Nga nhấn mạnh bất kỳ việc rút binh sĩ nước ngoài nào cũng cần được tính toán để đảm bảo không gây phương hại tới cán cân quyền lực tại quốc gia Bắc Phi này. HĐBA đã buộc phải “gia hạn kỹ thuật” đối với sứ mệnh của UNSMIL cho đến ngày 30/9 để có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Anh. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không đạt kết quả như kỳ vọng và các nước ủy viên HĐBA lựa chọn giải pháp dung hòa là gia hạn đến ngày 31/1/2022.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, phát biểu tại Hội đồng An ninh và hòa bình Liên minh châu Phi (AU), Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi các lực lượng và lính đánh thuê nước ngoài cùng rút lui vô điều kiện khỏi Libya.

Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, Ngoại trưởng Shoukry nhấn mạnh động thái này sẽ đẩy nhanh lộ trình chính trị mà tất cả các bên đã thống nhất và chấm dứt xung đột ở Libya. Theo ông, “vấn đề chính đang cản trở Libya trong việc khôi phục chủ quyền và thống nhất quốc gia là sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê trên lãnh thổ Libya. Điều này tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia Libya nói riêng, cũng như an ninh của các nước láng giềng Arab và châu Phi nói chung”

Ngoài ra, Ngoại trưởng Shoukry cũng tái khẳng định Cairo ủng hộ Ủy ban Quân sự hỗn hợp Libya 5 5 (JMC), đồng thời hối thúc hai phe phái ở Libya tham gia nghiêm túc vào tiến trình hòa bình do LHQ làm trung gian.

Tuyên bố của quan chức ngoại giao Ai Cập được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng chính trị ở miền Đông và miền Tây Libya tiếp tục bất đồng về cơ sở hiến pháp, cũng như kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội dự kiến vào cuối năm nay. Ai Cập đã thúc đẩy một giải pháp chính trị ở Libya trong nhiều năm qua, kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn, giải giáp các lực lượng dân quân và chấm dứt sự can thiệp của nước ngoài vào quốc gia này. Trong những tháng gần đây, Ai Cập đã tổ chức một số vòng đàm phán giữa các phe phái Libya khác nhau nhằm làm trung gian cho một giải pháp chính trị.

Libya rơi vào khủng hoảng kể từ năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ. Từ đó, quốc gia Bắc Phi này luôn trong tình trạng bị chia rẽ giữa hai chính quyền đối địch, được các lực lượng nước ngoài và các tay súng trong nước hậu thuẫn. Tháng 10/2020, các phe phái tham chiến tại Libya đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn. Một chính phủ lâm thời thống nhất đã được thành lập vào tháng 3 năm nay để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, việc các bên vẫn chưa thể thống nhất cơ sở xây dựng hiến pháp sau nhiều vòng đàm phán đang làm dấy lên hoài nghi về khả năng tổ chức bầu cử vào cuối năm nay.

Minh Tâm – Việt Khoa(TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/lien-hop-quoc-gia-han-su-menh-phai-bo-unsmil-tai-libya-20211001093839036.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu