Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 16:46 (GMT +7)
Lời kêu gọi EU xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc
Thứ 7, 06/06/2020 | 11:08:00 [GMT +7] A A
Ngày 5/6, Cơ quan Các quyền cơ bản (FRA) của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các nước EU phải nỗ lực xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc, quấy rối và bạo lực nhằm vào người da màu trong bối cảnh làn sóng tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc tiếp tục lan rộng tại nhiều nước trên thế giới sau cái chết của công dân gốc Phi George Floyd ở Mỹ.
Người dân tham gia biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại New York, Mỹ ngày 29/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một tuyên bố, FRA cho biết nạn phân biệt chủng tộc, quấy rối và bạo lực mang tính sắc tộc đang trở nên phổ biến ở châu Âu. Giám đốc FRA, Michael O’Flaherty nhấn mạnh: “Không một ai sẽ trở thành mục tiêu tấn công chỉ vì màu da của họ. Không ai phải sợ khi bị cảnh sát chặn lại chỉ vì họ là người da màu”. Ông cũng kêu gọi các nước EU hợp tác với nhau để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này.
Theo cuộc khảo sát được FRA thực hiện năm 2018 đối với gần 6.000 người Âu gốc Phi, 30% số người được hỏi cho biết họ bị quấy rối mang tính sắc tộc và gần 25% cho biết đã bị cảnh sát chặn lại trong 5 năm trước.
Cùng ngày, giới chức Australia và Pháp đã cấm tổ chức các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc với lý do các cuộc tụ tập quy mô lớn có nguy cơ làm lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo kế hoạch, trong ngày 6/6, khoảng 50.000 người Australia sẽ tham gia vào các cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ, đồng thời cũng nhằm hướng sự chú ý tới nạn ngược đãi thổ dân Australia.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Melbourne, Bộ trưởng Y tế Australi Greg Hunt cho biết người dân có quyền tự do bày tỏ ý kiến, song dịch COVID-19 sẽ lây lan trong các cuộc biểu tình và việc truy vết toàn bộ người tham gia biểu tình sẽ là bất khả thi.
Tại bang New South Wales đông dân nhất Australia, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết cho phép cảnh sát ngăn chặn cuộc biểu tình lớn nhất đã được lên kế hoạch tổ chức tại Sydney trong ngày 6/6.
Theo thẩm phán Desmond Fagan, cuộc tụ tập có hàng nghìn người tham gia là vi phạm chỉ đạo của bang này về cấm các buổi tụ tập không quá 10 người. Bất chấp phán quyết của tòa án, một số người biểu tình tuyên bố sẽ vẫn tham gia. Ban đầu cảnh sát bang New South Wales chỉ cho phép tổ chức biểu tình ở Sydney với không quá 500 người tham gia. Tuy nhiên, do có thêm rất nhiều người tuyên bố sẽ tham gia cuộc biểu tình này, nên tòa án đã đưa ra phán quyết trên. Theo Thủ hiến bang Gladys Berejiklian, chính quyền bang sẽ không bao giờ “bật đèn xanh” cho hàng nghìn người không tuân thủ các sắc lệnh về y tế.
Tại bang Victoria vốn cấm các cuộc tụ tập có hơn 20 người tham gia, cảnh sát đã đe dọa áp dụng hình phạt đối với những người tổ chức biểu tình và những đối tượng vi phạm các quy định giãn cách xã hội. Trong khi đó, các bang khác của Australia như Queensland và bang miền Tây cũng kêu gọi người dân không tham gia biểu tình. Theo Thủ tướng Scott Morrison, người dân nên tìm cách khác tốt hơn để thể hiện tình cảm của mình và thực hiện quyền tự do một cách hợp lý.
Còn tại Pháp, cảnh sát thủ đô Paris đã cấm một cuộc biểu tình dự kiến tổ chức vào ngày 6/6 ở trước Đại sứ quán Mỹ ở nước này.
Theo Sở Cảnh sát Paris, quyết định trên được đưa ra do các cuộc biểu tình có nguy cơ gây rối loạn xã hội và gia tăng lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd tại bang Minnesota, Mỹ, do cảnh sát gây ra đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ trong những ngày qua. Hiện hàng chục thành phố của Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở mức độ chưa từng thấy kể từ sau các cuộc bạo động bùng phát sau vụ ám sát nhà hoạt động Martin Luther King Jr. năm 1968. Làn sóng biểu tình ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ cũng đã lan rộng ra các nước khác. Từ ngày 31/5, một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại Canada, Anh, Đức và New Zeland bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội thời kỳ dịch bệnh.
https://baotintuc.vn/the-gioi/loi-keu-goi-eu-xoa-bo-nan-phan-biet-chung-toc-20200605223527948.htm
Ý kiến ()