Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 14/01/2025 05:15 (GMT +7)
Long An – cửa ngõ miền Tây Nam Bộ.
Thứ 3, 26/09/2017 | 15:12:00 [GMT +7] A A
Là cửa ngõ, nơi kết nối giữa Tp. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tỉnh Long An hiện có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế một cách toàn diện nhờ vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch mang đặc trưng của vùng sông nước.
Đất lành nở hoa
Long An nằm ở vị trí cửa ngõ của Tp. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, phía Đông có cảng biển ra cửa sông Soài Rạp, cách Biển Đông 15 km, phía Tây có các cửa khẩu sang Campuchia, một vị trí rất thuận lợi cho việc tiếp cận đầu tư vào các thị trường trong khu vực. |
Long An là vùng “địa linh nhân kiệt”, con người Long An đôn hậu và đáng mến. Vì thế, đến với Long An là đến với những câu chuyện đầy kỳ thú và hấp dẫn có từ thời người dân đi khai hoang mở đất cách đây 200 năm cũng như công cuộc chống giặc ngoại xâm từ hồi thế kỷ 19.
Đến với vùng hạ Long An, du khách không thể nào quên được tính cách hiền hòa thân thiện và mến khách của người dân Cần Đước, Cần Giuộc cùng với những món ẩm thực dân dã, đậm đà khó quên như lạp xưởng Cần Đước, cốm ngò Cần Giuộc…
Đặc biệt, với hệ thống kênh rạch chằng chịt và điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Long An có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch vùng sông nước. Từ trung tâm Tp. Tân An, thủ phủ của tỉnh Long An, chúng tôi theo Quốc lộ 62 về vùng Đồng Tháp Mười nổi tiếng với những nét đặc trưng văn hóa miền Tây sông nước.
Trung tâm Tp. Tân An, thủ phủ của tỉnh Long An. Ảnh: Nguyễn Luân Lúa gạo là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Long An. Ảnh: Nguyễn Luân Long An cũng là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, ví dụ như làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa ở phường 5, Tp. Tân An. Ảnh: Thông Hải Nghề dệt chiếu ở huyện Cần Đước. Ảnh: Thông Hải
|
Có thể nói, đây là tiềm năng du lịch lớn mà tỉnh Long An có thể khai thác để du khách vừa có thể tham quan du lịch sinh thái, vừa khám phá những giá trị văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng nước nổi. Điển hình như làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa), Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng), Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (thuộc các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và Tân Thạnh)… đều là những khu du lịch sinh thái đặc trưng của Long An nói riêng và Nam Bộ nói chung.
Long An có 28 khu công nghiệp với khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư sản xuất, trong đó có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đứng đầu danh sách về tổng vốn đầu tư là Anh, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. |
Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm không khí trong lành từ những cánh rừng tràm xanh ngút ngàn và tận hưởng mùi hương thơm ngát cùng với cảnh sắc tuyệt đẹp của những cánh đồng sen mênh mông ở Đồng Tháp Mười. Và trong hành trình khám phá vùng đất này, du khách chắc chắn sẽ không thể bỏ qua hương vị ẩm thực dân dã, đậm đà khó quên từ các món ăn mang đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ như: canh chua bông điên điển, gỏi ngó sen, cá lóc nướng trui chấm muối ớt…
Long An cũng là mảnh đất ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa-lịch sử quý giá. Đến với Khu di tích khảo cổ Bình Tả ở xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, du kháchsẽ được khám phá những nét văn hóa-lịch sử độc đáo về nền văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa cổ từng tồn tại và phát triển rực rỡ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ vào khoảng từ thế kỉ 1 đến thế kỉ 7 đầu Công nguyên. Năm 1989, Khu di tích này đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử, Văn hóa cấp Quốc gia. Hiện tại, Bình Tả không chỉ là điểm đến lí tưởng cho các nhà khảo cổ cũng như các bạn trẻ có niềm đam mê nghiên cứu nền văn hóa Óc Eo, mà còn là một địa chỉ du lịch văn hóa độc đáo cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Long An.
Dấu ấn bên dòng Vàm Cỏ
Là tỉnh có vị trí, điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển nhiều loại nông sản hàng hóa, có sản lượng cao như lúa (đứng thứ 4 khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long), thanh long (chỉ sau tỉnh Bình Thuận)… Vì vậy, những năm gần đây Long An đã tích cực phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu và thu hút đầu tư trên địa bàn.
Đất Long An nằm bên đôi dòng Vàm Cỏ, nhờ thiên nhiên ưu đãi mà bấy lâu nay nức tiếng khắp vùng Nam Bộ với những sản vật nổi tiếng như: gạo nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, dứa Bến Lức, thanh long Châu Thành, đậu phộng Đức Hòa, mía Thủ Thừa…
Đây chính là nền tảng để ngành nông nghiệp Long An phát huy lợi thế trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ cao hình thành nên nhiều vùng chuyên canh cây trồng chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Để làm được việc này tỉnh Long An đã có kế hoạch đầu tư 1.300 tỉ đồng cho giai đoạn 2016-2020.
Hiệu quả từ chủ trương này bước đầu đã thấy rõ, đó là suốt quãng đường từ Tp. Tân An về huyện Châu Thành giờ đây đâu đâu cũng phủ kín một màu xanh thẫm của cây thanh long, điểm xuyết trong màu xanh ấy là màu đỏ tươi của những trái thanh long chín đang vào vụ thu hoạch.
Mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Châu Thành. Ảnh: Nguyễn Luân Thanh long là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Long An. Ảnh: Nguyễn Luân Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới ở huyện Cần Giuộc. Ảnh: Nguyễn Luân Huyện Cần Giuộc hiện có nhiều hợp tác xã trồng rau an toàn, đáp ứng được yêu cầu cung cấp rau sạch cho thị trường các tỉnh thành Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Luân
|
Ông Võ Văn Vấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành cho biết, Châu Thành là vùng trồng thanh long lớn nhất của tỉnh, diện tích thanh long ở đây hiện chiếm tới hơn 90% diện tích đất trồng trọt và sắp tới sẽ tiếp tục tăng lên. Huyện đang tiến hành điều tra, khảo sát và phấn đấu để đến cuối năm 2017 này sẽ xây dựng được khoảng 300ha trồng thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, và mục tiêu đến năm 2020 sẽ là 2.000ha.
Tỉnh Long An hiện đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung trên 4 cây trồng, vật nuôi chủ lực là lúa, thanh long, rau và bò thịt. Bước đầu tỉnh đã hình thành những vùng chuyên canh như vùng lúa chất lượng cao ở vùng Đồng Tháp Mười, vùng thanh long ở huyện Châu Thành, vùng rau ở Cần Giuộc… (Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An) |
Cùng với thanh long, một loại cây trồng xuất khẩu chủ lực khác của tỉnh là lúa hiện cũng đã được đầu tư mạnh nên có bước phát triển vượt bậc. Vào ngày mùa, nếu có dịp về các địa bàn thuộc vùng Đồng Tháp Mười như huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường… chúng ta không khỏi choáng ngợp trước cảnh hàng nghìn ha lúa chín vàng mênh mông thẳng cánh cò bay. Được biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 40.000ha lúa xuất khẩu, trong đó có 1.350ha được trồng theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 số diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao sẽ tăng lên 20.000ha.
Nếu như Châu Thành và vùng Đồng Tháp Mười nổi tiếng với thanh long và lúa, thì ở vùng hạ Long An, hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước lại được biết đến là vựa rau xanh của tỉnh. Anh Đặng Duy Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Thịnh ở xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc cho biết, đất ở vùng này có thể trồng rau hơn 20 năm không cần cải tạo và không cần sử dụng một loại phân bón nào mà chất lượng rau vẫn luôn đảm bảo và có hương vị thơm nồng đặc trưng.
Có thể nói, nhờ thiên nhiên ưu ái nên Cần Giuộc và Cần Đước hiện đã hình thành nên nhiều hợp tác xã rau an toàn với đủ các loại rau sạch cung cấp cho thị trường khắp các tỉnh thành Nam Bộ. Bình quân, các mô hình rau an toàn cho lợi nhuận khoảng hơn 37 triệu đồng/1.000m2/2 vụ.
Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, sắp tới Long An sẽ triển khai thực hiện công tác quy hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Ðạt – Ảnh: Nguyễn Luân & Tư liệu Báo ảnh Việt Nam
Ý kiến ()