Thứ Bảy, 18/01/2025 07:48 (GMT +7)

Long An nhiều giải pháp để đạt hơn 2,7 triệu tấn lúa năm 2020

Thứ 5, 09/04/2020 | 09:18:00 [GMT +7] A  A

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong sản xuất vụ lúa Hè Thu và Thu Đông nhằm đưa sản lượng lúa của tỉnh đạt hơn 2,7 triệu tấn trong năm 2020, tương đương với năm ngoái.

Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh Long An gieo sạ hơn 227.000 ha, đạt 99,98% kế hoạch. Ảnh: baolongan.vn

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An yêu cầu các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát, bố trí kế hoạch xuống giống lúa Hè Thu hợp lý, bảo đảm thời gian cách ly với vụ Đông Xuân ít nhất 3 tuần thích ứng, linh hoạt với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước; vùng có nguy cơ thiếu nước; vùng có khả năng ảnh hưởng lũ sớm gắn với bản đồ cơ cấu mùa và lịch né rầy; đối với những vùng không chủ động được nguồn nước thì sử dụng nước mưa, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại.

Về cơ cấu giống, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường xuất khẩu, chú ý các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn (nhóm giống lúa chủ lực: OM 4900, OM 5451, nếp, Đài thơm 8, RVT, Nàng Hoa 9, ST, OM 6976,…). Sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình – khá, như: AS996, OM 5451, OM 6976… cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.

Ngành nông nghiệp cũng tăng cường tuyên truyền để nông dân xuống giống lúa theo đợt thời vụ. Cụ thể, bà con xuống giống đợt 1 từ ngày 10 đến 20/4/2020 đối với các huyện Đồng Tháp Mười như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Kiến Tường; đợt 2 từ ngày 8- 23/5/2020; đợt 3 từ ngày 5- 20/6/2020.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5, giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, bà con cần giảm lượng giống gieo sạ, lượng giống gieo sạ khuyến cáo khoảng 100kg/ha và ứng dụng kỹ thuật tưới ướt – khô xen kẽ cho lúa và tưới nhỏ giọt, phun mưa cho cây trồng khác điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Long An tiếp tục vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; thường xuyên kiểm tra sự cố rò rỉ nước mặn tại các cửa cống, hoàn chỉnh hệ thống đê bao dọc theo sông lớn, xây dựng các công trình ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh cây lúa của tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời có hiệu quả các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường.

Theo thống kê của của ngành nông nghiệp Long An, vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh gieo sạ hơn 227.000 ha, đạt 99,98% kế hoạch. Năng suất đạt 64,6 tạ/ha (tăng 1,2 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm 2019-2020); giá lúa tăng dẫn đến nông dân có lợi nhuận tăng, ước bình quân từ 15 – 20 triệu đồng/ha (cao hơn 2-3 triệu đồng/ha, so với vụ Đông Xuân 2018-2019).

Theo Thanh Bình (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/long-an-nhieu-giai-phap-de-dat-hon-27-trieu-tan-lua-nam-2020-20200409075017805.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu