Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 10/01/2025 20:26 (GMT +7)
Lý do Đức triển khai quân chống IS ở Syria
Thứ 3, 15/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Trong tuần qua, Quốc hội Đức đã tán thành đề xuất của Chính phủ nước này về việc triển khai lực lượng lớn tới Syria để tham gia cuộc chiến chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. Bước đi này được xem là chưa từng có tiền lệ ở Berlin và mở đường cho chiến dịch quân sự lớn nhất ở nước ngoài của Đức kể từ sau khi tái thống nhất năm 1990.
Quyết định trên của Đức xuất phát từ ba yếu tố chính sau:
Thứ nhất, Đức muốn thể hiện tình đoàn kết với Pháp sau vụ khủng bố ở Paris. Sau vụ việc ở Paris, Pháp đã liên tục kêu gọi các nước đồng minh có các biện pháp quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq. Là một đồng minh thân cận của Pháp và là “cặp đôi” đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), Đức nhận thấy đã đến lúc cần có hành động cụ thể hơn để chống lại IS, đã hiện hữu ở Pháp và là mối đe dọa thường trực cho an ninh của Đức.
Đức quyết định triển khai lực lượng chống IS. Ảnh: Reuters |
Thứ hai, việc Đức triển khai máy bay do thám Tornado thế hệ mới sẽ giúp nắm sát hơn tình hình và diễnbiến trên chiến trường tại Syria, cũng như để đánh giá khả năng tấn công/phòng thủ của IS, xác định xem IS có tên lửa đất đối không hay không, trước khi xem xét triển khai các lực lượng hoặc biện pháp tiếp theo.
Thứ ba, Đức muốn sử dụng biện pháp quân sự để đánh bại hoặc ít nhất là để làm suy yếu lực lượng IS, không cho IS còn đủ khả năng tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Đức và châu Âu.
Theo báo chí Đức, mặc dù đã quyết định tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống IS, song bản thân Đức hiện vẫn chưa giải quyết được hai vấn đề tồn tại lớn nhất là mối quan hệ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cách thức xử lý các vùng đất chiếm lại được từ tay IS. Đối với Đức và phương Tây, nếu chiếm lại được, các vùng đất này cũng sẽ không nằm trong tay chính quyền ông Assad nữa. Và việc các vùng đất này sẽ trở thành “cơ sở” cho một Nhà nước của người Kurd hay nằm dưới sự kiểm soát của quốc tế hiện vẫn là câu hỏi lớn mà tất cả các bên chưa có sự thống nhất, kể cả trong nội bộ liên minh quốc tế chống IS.
Sự can thiệp của Đức có thể hiệu quả đến mức nào cũng là một điều chưa rõ ràng. Giới phân tích ở Đức nhìn nhận cách thức tấn công bằng không quân trong suốt một năm qua chỉ đem lại những hiệu quả rất nhỏ. IS có thể phải rút lui ở một số địa điểm, song không bị tổn thất nghiêm trọng về lực lượng và các cuộc tấn công bằng không quân của liên quân không mang lại thắng lợi nào mang tính quyết định trong cuộc chiến chống IS. Do đó, ngay cả khi được bổ sung bằng lực lượng mạnh của Đức (và cả của Anh), giới chuyên gia cho rằng vẫn sẽ đến lúc phải có lực lượng bộ binh nếu như muốn đánh bại một tổ chức có hệ thống quân sự khá bài bản như IS.
Nhìn chung, các nước phương Tây đang muốn theo đuổi một giải pháp là tạo ra một “thời kỳ quá độ” ở Syria nhằm từng bước hạ bệ ông Assad, song kịch bản này hiện không rõ lộ trình và bước đi cụ thể cũng như bản thân ông Assad vẫn chưa muốn từ bỏ quyền lực. Cuộc chiến chống IS chỉ thành công nếu nó đi kèm với một giải pháp cho vấn đề Syria và đây hiện được xem là điểm khó tìm được sự đồng thuận chung nhất hiện nay. Giải pháp quân sự của liên minh quốc tế, trong đó có Đức, sẽ không có ý nghĩa nếu như các kịch bản chính trị vẫn không rõ ràng như hiện nay. Một chiến lược chính trị cụ thể đi kèm với các áp lực quân sự mới là “chìa khóa” cho cuộc chiến chống IS và cả vấn đề Syria hiện nay.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác ở Đức cho rằng cuộc xung đột ở Syria và cuộc chiến chống IS thậm chí có thể kéo dài đến 30 năm. Trong bối cảnh đó, sự can dự của Đức cho phép nước này đóng vai trò lớn định hình tương lai vùng Trung Cận Đông cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Đây là một điểm mới trong chính sách đối ngoại của Đức kể từ sau năm 1990. Tình hình chính trị quốc tế hiện nay đã thay đổi toàn diện và tạo ra những nguy cơ an ninh trực tiếp cho nước Đức, làm cho nước này không thể “khoanh tay đứng nhìn” như từ trước đến nay mà buộc phải hành động và can thiệp vì lợi ích quốc gia của mình.
Ý kiến ()