Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 22:55 (GMT +7)
Mạng lưới giúp Trung Quốc tuyển dụng các nhà khoa học hàng đầu thế giới
Thứ 7, 22/08/2020 | 11:00:00 [GMT +7] A A
Trung Quốc đang nhắm vào các chuyên gia khoa học, công nghệ hàng đầu của Mỹ và các nước phát triển thông qua một mạng lưới tuyển dụng gắn với 600 cứ điểm trên toàn cầu.
Charles Lieber, nguyên trưởng khoa Hóa học và Sinh hóa Đại học Harvard bị cáo buộc làm việc cho chính quyền Trung Quốc. Ảnh: AP
Báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ cho biết giới chức Mỹ từ lâu đã cảnh báo Trung Quốc sử dụng nhiều chương trình tuyển dụng để đoạt công nghệ tiên tiến. Nhưng nghiên cứu mới đây của ASPI mới lột tả được chi tiết về mạng lưới, hạ tầng được Bắc Kinh sử dụng để tuyển mộ các nhà khoa học đến từ các công ty, tổ chức có tiếng như tập đoàn Tesla, hay Đại học Havard.
Những chương trình thu phục tài năng của Trung Quốc, ví như Kế hoạch tuyển dụng 1.000 nhân tài (TTP), được hỗ trợ bởi 600 cứ điểm tuyển dụng đặt tại các nước trên toàn thế giới, trong đó có cả Đức, Anh, Canada, Nhật Bản.
Mỹ là nước đứng đầu, với 146 cứ điểm. Các điểm này mới chỉ được Trung Quốc mở cửa từ năm 2006, nhưng phát triển mạnh trong vài năm gần đây. Riêng năm 2018, có 115 cứ điểm như vậy được thiết lập.
Theo điều tra của ASPI, giới chức Bắc Kinh thường trao quyền điều hành các cứ điểm này cho các nhóm hoạt động ở nước bản địa, như hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, các hội đồng niên trường đại học; các công ty công nghệ và giáo dục, hiệp hội sinh viên, học giả Trung Quốc tại các trường đại học.
Chính phủ Trung Quốc tài trợ 22.000 USD cho mỗi cứ điểm dưới dạng chi phí vận hành hàng năm. Ngoài tra, mỗi cứ điểm sẽ nhận được 29.000 USD cho mỗi thương vụ tuyển dụng thành công chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu.
Những cứ điểm tuyển dụng này, vốn thường tổ chức các chuyến viếng thăm Trung Quốc cho các nhà khoa học, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng quản lý chuyên gia nước ngoài thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ Trung Quốc và Ban Công tác Mặt trận thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Báo cáo của ASPI còn phát lộ vai trò hàng đầu của chính quyền tỉnh, thành phố tại Trung Quốc trong nỗ lực tuyển dụng, lôi kéo tài năng. Dư luận quốc tế cho đến nay mới chỉ chú ý đến các chương trình vận hành ở cấp quốc gia, ví như TTP. Nhưng thống kê của ASPI cho thấy có đến 80% chương trình tuyển dụng này được thực hiện ở cấp tỉnh, thành phố, với lượng nhân tài thu phục được lớn gấp bảy lần so với chương trình cấp quốc gia.
Trong 600 cứ điểm này, chỉ có 20 điểm được xác định là do các tổ chức quy mô cấp nhà nước đứng ra thành lập, ví như các đơn vị thuộc Ban Công tác Mặt trận thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hội tổ chức học giả từng du học ở phương Tây hay Văn phòng Ngoại kiều thuộc Quốc vụ viện.
Nỗ lực của Bắc Kinh trong lôi kéo, tuyển dụng tài năng và đoạt bí kíp công nghệ đã trở thành điểm nóng trong xung đột gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc. Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt giữ, khởi tố một loạt các vụ việc liên quan đến các cá nhân tham gia chương trình tuyển mộ tài năng của Trung Quốc, cũng như nhiều nhà nghiên cứu quân sự của Trung Quốc bị cáo buộc khai man, che giấu mối liên hệ với chính quyền, quân đội Trung Quốc khi kê khai thông tin xin cấp thị thực sang nghiên cứu, học tập tại Mỹ.
Năm ngoái, tập đoàn chế tạo xe điện Tesla đã khởi kiện Cao Guangzhi – cựu chuyên gia cơ khí của hãng, với cáo buộc đã chuyển giao mã nguồn công nghệ xe tự lái cho tập đoàn công nghệ ô tô Xiaopeng ở Quảng Châu. Ông Cao thừa nhận có đẩy các tài liệu về công nghệ của Tesla lên tài khoản iCloud cá nhân, nhưng nói rằng đã tìm cách xóa bỏ những tài liều này trước khi rời Tesla. Vụ việc dự kiến được đưa ra xét xử vào tháng 1/2021.
Theo ASPI, sau khi tốt nghiệp Đại học Purdue (Mỹ) năm 2009, ông Cao đứng ra thành lập Hiệp hội tiến sĩ quê gốc Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang) đặt tại Mỹ. Nhóm này hợp tác chặt chẽ với giới chức thành phố Ôn Châu để xác định, tìm kiếm những sinh viên theo học nghiên cứu sinh tiến sĩ người Mỹ. Hiệp hội cũng ký thỏa thuận với Ban Công tác mặt trận thành phố Ôn Châu để vận hành một cứ điểm tuyển dụng nhân tài.
Báo cáo gọi vụ điều tra, xét xử của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm vào giáo sư Đại học Havard Charles Lieber, là một trong những trường hợp “gây sốc nhất” về các hành vi sai lệch trong chương trình tuyển mộ tài năng của Trung Quốc.
Ông Lieber là chuyên gia về công nghệ nano, bị bắt hồi đầu năm nay với cáo buộc lừa dối cơ quan thực thi pháp luật liên bang, che giấu việc có dính líu đến chương trình TTP của Trung Quốc trong khi phía Mỹ rót tài trợ lên đến 15 triệu USD cho nhóm nghiên cứu của ông tại trường đại học.
Trung Quốc chưa bình luận gì về thông tin này.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/mang-luoi-giup-trung-quoc-tuyen-dung-cac-nha-khoa-hoc-hang-dau-the-gioi-20200821164336875.htm
Ý kiến ()