Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 21:30 (GMT +7)
Mạng xã hội và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
Thứ 4, 27/05/2020 | 08:00:00 [GMT +7] A A
Đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới có thể coi như một “tấm kính” bộc lộ rõ nét “tính hai mặt” của mạng xã hội.
Biểu tượng của TikTok. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thời gian đại dịch, mạng xã hội được xem là “cây cầu” kết nối giữa mọi người, đặc biệt khi nhiều quốc gia triển khai lệnh phong tỏa đất nước. Hơn thế nữa, khi bản chất của các nền tảng mạng xã hội là cho phép thông tin được chia sẻ dễ dàng, mạng xã hội cũng trở thành công cụ đắc lực phòng chống dịch COVID- 19. Tuy nhiên, song song với đó, những thông tin giả mạo (hay còn gọi là fake news) về COVID-19 lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng, trong nhiều trường hợp, lại chính là “virus gây bệnh nan y”.
Với sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi và thu hút số lượng người dùng đông đảo, mạng xã hội đang trở thành một kênh truyền thông hiệu quả, cập nhật các diễn biến của dịch bệnh, cũng như cách phòng, chống COVID-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chính phủ nhiều nước trên thế giới đã tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phát đi những thông tin nóng hổi nhất, phổ biến những kiến thức cần thiết, kịp thời truyền đi cảnh báo, tuyên truyền về cách ứng phó với virus nguy hiểm, đồng thời phát đi nhiều thông điệp ý nghĩa nhằm nâng cao tinh thần, ý thức của người dân trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Trong trường hợp này, chính mạng xã hội là sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch.
Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá sử dụng hiệu quả mạng xã hội để ứng phó với COVID-19. Theo nhận định của tạp chí hàng đầu Mỹ The Nation, chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và sáng tạo thông qua mạng xã hội là một trong những yếu tố giúp Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống dịch. Việc Bộ Y tế Việt Nam công bố kênh thông tin trên mạng xã hội Lotus hay ra mắt kênh chống dịch trên nền tảng TikTok… đã giúp lan tỏa những kiến thức phòng, chống bệnh đúng cách, giúp người dân cập nhập tình hình dịch bệnh, góp phần trang bị thêm kiến thức để có hành vi đúng đắn, chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Các công ty công nghệ đang vận hành các trang mạng xã hội cũng phát triển những tính năng nổi bật, cung cấp nhiều công cụ để hỗ trợ các chính phủ phòng chống COVOD-19. Đơn cử như Facebook triển khai bản đồ theo dõi vị trí người dùng, cung cấp dữ liệu về xu hướng phạm vi di chuyển, từ đó dự báo sự lây lan của COVID-19. Nền tảng Snapchat ra mắt “Bảng tin COVID-19” với những thông tin mới nhất về dịch bệnh, được lấy từ các nguồn thông tin chính thống, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và số liệu của chính phủ các nước.
Tại Việt Nam, mạng xã hội Lotus mở chiến dịch thông tin “Lá chắn virus corona”, cung cấp những thông tin tin cậy và kiến thức hữu ích; kêu gọi mỗi người trở thành “lá chắn” bảo vệ bản thân, người thân và xã hội. Đây là những minh chứng cụ thể cho thấy mạng xã hội có thể trở thành trợ thủ đắc lực trong công cuộc phòng chống đại dịch.
Trong thời gian đại dịch, những nền tảng trực tuyến cũng trở thành điểm hẹn kết nối những tấm lòng nhân ái ở khắp nơi. Hàng nghìn nhóm lớn nhỏ khác đã hình thành trên Facebook, WhatsApp hay mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, hỗ trợ những người bị ốm, người cao tuổi người đang được cách ly, những người rất cần giúp đỡ trong đại dịch ở bất kỳ nơi đâu.
Nhân viên y tế bệnh viện ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) giới thiệu trang mạng tư vấn trực tuyến sơ bộ về virus SARS-CoV-2 hỗ trợ người dân phòng ngừa và ngăn chặn khả năng lây lan của dịch bệnh, ngày 7/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là nguồn phát tán “fake news” về COVID-19. WHO từng mô tả COVID-19 là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, trong đó việc dư thừa thông tin trên mạng làm người dân các nước khó có thể tìm được những chỉ dẫn đáng tin cậy mà họ cần.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu báo chí thuộc Đại học Oxford (Anh), 1/3 số người sử dụng các nền tảng mạng xã hội ở Mỹ, Argentina, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đã thông báo đọc phải tin giả hoặc tin gây hiểu nhầm về đại dịch COVID-19. Một nghiên cứu của Cơ quan Quản lý công nghệ truyền thông Anh (Ofcom) cho thấy tỷ lệ cứ 2 người tại Anh và Mỹ thì có 1 người đã đọc tin giả hoặc tin gây hiểu lầm về đại dịch COVID-19 trên mạng xã hội. Khoảng 1/3 số độc giả cho biết họ cảm thấy chính các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra tâm lý hoang mang về đại dịch bởi những tin giả hoặc không rõ ràng.
Khó có thể đánh giá được đầy đủ hậu quả của những tin giả hay tin đồn về COVID-19 trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, một số nghiên cứu công bố thời gian qua cho thấy đây là một vấn đề đáng báo động. Theo nhận định của Giáo sư James R. Bailey tại Đại học George Washington (Mỹ), biến thể của virus corona đã khó lường thì “fake news” về COVID-19 càng khó lường và nguy hiểm hơn.
Chính phủ nhiều nước trên thế giới sau đó đã vào cuộc quyết liệt chống tin giả về COVID-19 trên mạng xã hội, trong khi các mạng xã hội cũng cùng chung tay tham gia cuộc chiến ngăn chặn nạn phát tán thông tin sai lệch. Nổi bật là Twitter với cam kết gỡ bỏ những nội dung không phù hợp, Facebook thông báo cấm các đoạn quảng cáo dễ gây hiểu lầm về tác dụng của các bộ thử và khẩu trang, cùng cam kết đầu tư 100 triệu USD cho các cơ quan truyền thông và tổ chức xác thực thông tin. WHO cũng lập một chuyên mục riêng trên trang chủ, có tên gọi là “MythBusters” để đưa ra các thông tin chính thống nhằm bác bỏ các thông tin giả mạo.
Phần mềm COVIDSafe được cài đặt trên màn hình điện thoại thông minh ở Sydney, Australia ngày 27/4/2020.
Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh tin giả tràn ngập mạng xã hội, vai trò của truyền thông chính thống sẽ càng được khẳng định. Theo kết quả nghiên cứu của công ty Edelman Trust Barometer, 64% người dùng mạng xã hội ở 10 quốc gia luôn tìm kiếm thông tin từ các cơ quan truyền thống chính, so với con số 38% chỉ sử dụng thông tin trên các nền tảng mạng xã hội. Riêng tại Anh, 36% công dân nước này lựa chọn nguồn thông tin chính thống của các hãng thông tấn uy tín, trong khi chỉ có 5% chọn thông tin trên mạng xã hội. Nghiên cứu cũng chỉ ra mức độ tín nhiệm cao của với các nguồn tin chính thức như từ WHO hay các nhà khoa học.
Trong khi đó, Tiến sĩ Naim Kapucu, Giám đốc Trường Hành chính công thuộc Đại học Central Florida, khẳng định cách hiệu quả nhất để đối phó với tin giả và tin đồn chính là minh bạch thông tin, bởi càng minh bạch thông tin thì càng làm giảm cơ hội của những thông tin giả mạo.
Giới chuyên gia và truyền thông quốc tế cũng đánh giá minh bạch thông tin là một trong những “bí quyết” để Việt Nam nổi lên như hình mẫu thành công chống dịch của thế giới. Giám đốc Văn phòng Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Thái Lan John MacArthur cho rằng chính sự minh bạch cùng với quyết tâm chính trị nhất quán đã giúp Việt Nam làm nên thành công này.
Tạp chí The Diplomat cũng đề cao việc Chính phủ Việt Nam duy trì minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh và cho phép công bố thông tin không hạn chế trên Facebook. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến độc giả mới đây do công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) tiến hành cho thấy Việt Nam có mức tín nhiệm truyền thông cao nhất khi đưa tin về COVID-19, với 89% số người Việt Nam được hỏi tin tưởng vào truyền thông trong nước thông tin về chủ đề này.
Với khả năng kết nối gần như vô biên, mạng xã hội là một phần không thể thiếu của đời sống hiện đại. Bởi vậy, có thể nói rằng mạng xã hội cũng đóng vai trò đáng kể trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch COVID-19. Phát huy hiệu quả mặt tích cực và kiểm soát mặt trái của mạng xã hội sẽ là yếu tố góp phần giúp thế giới sớm đẩy lùi được virus SARS-CoV-2.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/mang-xa-hoi-va-cuoc-chien-chong-dai-dich-covid19-20200526195802929.htm
Ý kiến ()