Thứ Tư, 15/01/2025 16:18 (GMT +7)

Mâu thuẫn trong nội bộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Thứ 7, 25/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Hiện trong giới phân tích và giới xây dựng chính sách của Trung Quốc có 3 trường phái khác nhau đang tranh cãi với nhau trong cách nhìn nhận về Biển Đông.

mau thuan trong noi bo trung quoc ve van de bien dong hinh 0
Tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: AFP.

Các lãnh đạo Trung Quốc, từ Chủ tịch nước Tập Cận Bình, đến Ngoại trưởng Vương Nghị và Đô đốc Tôn Kiến Quốc thường lặp đi lặp lại lập trường (phi pháp) rằng các đảo ở Biển Đông vốn luôn là lãnh thổ của Trung Quốc. Họ cũng bóp méo sự thật khi cho rằng Trung Quốc hoàn toàn hành động một cách hợp pháp khi bảo vệ chủ quyền của họ ở đây.

Để trấn an cộng đồng quốc tế, Trung Quốc khẳng định họ chỉ lắp đặt các thiết bị quân sự cần thiết trên các đảo (họ chiếm hoặc xây trái phép) ở Biển Đông vì mục đích “tự vệ”.

Tuy nhiên nhiều nước ASEAN không tin vào các lý lẽ này của Trung Quốc. Họ thực sự cảm thấy bị đe dọa bởi hành động Trung Quốc ráo riết tiến hành xây đảo trên thực tế ở Biển Đông.

Để dự đoán phương hướng tương lai trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc về Biển Đông, chúng ta cần xem xét 3 trường phái sau ở Trung Quốc:

1- Nhóm “thực dụng”

Nhóm này cho rằng chính sách hiện nay của Trung Quốc về Biển Đông là ổn, không cần điều chỉnh thêm. Họ chấp nhận bị mất mặt ở nước ngoài miễn là duy trì được sức mạnh vật chất trên thực địa. Họ cho rằng thời gian đang có lợi cho Trung Quốc, miễn là Trung Quốc quản lý được sự trỗi dậy của mình. Những người này cho rằng họ đang bảo vệ lợi ích dân tộc của Trung Quốc bằng việc tăng cường sự hiện diện vật chất ở Biển Đông.

Tuy nhiên nhóm “thực tế” này cũng bế tắc ở chỗ họ không biết phải làm gì với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp một cách phi pháp. Họ băn khoăn về việc có phải lắp thêm thiết bị quân sự (bao gồm cả vũ khí tiến công) trên các đảo đó hay không hay chỉ các thiết bị phòng thủ là đủ để duy trì hiện trạng.

2- Nhóm “cứng rắn”

Nhóm này chủ trương tuyên truyền về 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp thành, coi đó là việc đã rồi và không thể thay đổi được nữa. Không những vậy, họ còn chủ trương để Trung Quốc bành trướng thêm về quân sự và lãnh thổ ở Biển Đông, bằng cách xây đảo thành căn cứ quân sự loại nhỏ, chinh phục thêm đảo do nước khác đang kiểm soát trên thực tế.

mau thuan trong noi bo trung quoc ve van de bien dong hinh 1
Ảnh: FP.

Nhóm cứng rắn không “đếm xỉa” gì đến những lo ngại của cộng đồng thế giới, họ chỉ muốn mở rộng tối đa lợi ích “cá nhân” của Trung Quốc.

Trong chính quyền Trung Quốc, những phần tử cứng rắn như thế này thường là bên quân đội hoặc cơ quan thực thi pháp luật. Còn các thành phần cứng rắn trong dân chúng thì thường hời hợt hơn và bị thúc đẩy bởi tình cảm dân tộc chủ nghĩa.

3- Nhóm “ôn hòa”

Nhóm này cho rằng đã đến lúc Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách để làm rõ yêu sách của họ về Biển Đông.

Họ nhận thức rõ Bắc Kinh đang rất mập mờ trong các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Họ chỉ trích chính quyền Trung Quốc đã không thể giao tiếp hiệu quả với thế giới bên ngoài và đưa ra một phiên bản giải thích chiến lược có tính thuyết phục cao.

Theo nhóm này, cách tiếp cận tiện đâu làm đó của Trung Quốc khi thực hiện các quyết định chiến lược lớn như xây đảo là có hại cho chính lợi riêng của Trung Quốc. Họ nhìn nhận: Nếu Trung Quốc không nỗ lực hợp pháp hóa việc xây đảo thì tất yếu cộng đồng quốc tế sẽ nghi ngờ hơn là cảm thông với các hành động của Trung Quốc.

Những người ôn hòa cho rằng Trung Quốc cần làm rõ dần dần yêu sách đường 9 đoạn của mình. Theo họ, cứ lập lờ sẽ tạo trở ngại không cần thiết cho việc đạt được thỏa hiệp ngoại giao. Họ cho rằng việc coi tấm bản đồ cổ như đường phân giới lịch sử chỉ đem lại tác dụng ngược, vì điều này sẽ khiến cho Trung Quốc trở thành đối thủ của hầu hết các nước Đông Nam Á cũng như Mỹ. Nhóm ôn hòa coi trở ngại lớn nhất của Trung Quốc là thiếu một chiến lược rõ ràng và hiệu quả đối với Biển Đông.

Mặc dù khác nhau vậy, cả 3 nhóm này đều chung nhau ở một điểm rất quan trọng là Trung Quốc cần phải xây đảo.

Hiện trạng mới ở Biển Đông đòi hỏi Trung Quốc phải làm rõ ý đồ chiến lược của họ ở đây. Nhưng ngay cả bây giờ Trung Quốc vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này.

Nhóm cứng rắn đưa ra câu trả lời nhanh nhưng lại có mức độ gây bất ổn cực cao. Một bộ phận đáng kể của Trung Quốc đang tranh cãi liệu nước này nên có chiến lược như thế nào đối với Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, Mỹ và ASEAN cần tạo điều kiện thuận lợi để hình thành chính sách của Trung Quốc theo hướng hòa giải và hợp tác hơn, thúc đẩy tỷ lệ của nhóm “ôn hòa”./.

Trung Hiếu/VOV.VNLược dịch từ Feng Zhang/Foreign Policy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu