Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 20:58 (GMT +7)
Mê mẩn vườn xoài Úc tiền tỷ ở miền biên giới Bình Phước
Thứ 2, 12/02/2018 | 16:46:00 [GMT +7] A A
Vườn xoài Úc của lão nông ở xã biên giới Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là sản phẩm nông nghiệp sau gần 20 năm vun trồng cực nhọc, đến nay mới có thành quả.
Vườn xoài Úc của lão nông Trần Văn Thơ ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. |
Những ngày giáp Tết, chúng tôi về vùng biên giới Lộc Hưng – Lộc Ninh cách trung tâm Bình Phước 120 km, vào thăm vườn xoài Úc cứ ngỡ như lạc vào “vườn đào tiên”. Những quả xoài to tròn, mọng ửng hồng trong cái rám nắng đầu xuân ở vùng đất đỏ Bình Phước làm chúng tôi mê mẩn.
Hơn 3 ha xoài của ông Trần Văn Thơ đang cho thu hoạch đúng vụ Tết Mậu Tuất năm 2018. Các thương lái đến tận vườn đòi mua với giá tại vườn 100.000 đồng/kg nhưng ông Thơ lắc đầu không chịu hái xoài bán. Ông cho biết, năm nay thu hoạch khoảng 2 tấn và đã có khách ở tận Cam Ranh (Khánh Hòa) điện vào đặt mua với giá cao và mua đồng loạt hết cả vườn để đưa xoài Úc xuất khẩu sang châu Âu.
Ông Thơ cho biết, đối với các loại xoài bình thường khi chín để được 3 – 4 ngày, và đường đi của xoài xa nhất là đến thị trường Hà Nội. Vì loại xoài thường mau hư hỏng, mau thối nên rất khó đi xa. Nhưng đối với trái xoài Úc để càng lâu càng chín thì càng ngon và ăn càng ngọt, thơm. Xoài Úc khi chín có thể để tới 10 – 15 ngày, thời gian giữ trái xoài ngon kéo dài, lâu hỏng nên phù hợp cho thị trường xuất khẩu và dân buôn rất thích loại xoài này.
Để gây dựng vườn xoài Úc cho thu hoạch như ngày hôm nay, ông Trần Văn Thơ đã bỏ công chăm sóc trong suốt 20 năm qua. Lúc đầu ông trồng những cây xoài cát Hòa Lộc và xoài tạp, những cây cao to, mạnh khỏe bám chắc ở vùng đất đỏ này mới ghép cành xoài Úc, khi đó cây mới chịu cho trái.
Xoài Úc vốn do người dân Nha Trang (Khánh Hòa) gây dựng được giống này nên họ gìn giữ bí quyết để lai ghép nhân rộng ở vùng đất Nha Trang. Sau này được đưa vào thí điểm ở một số vùng như Định Quán (Đồng Nai) và Bình Phước. Tuy nhiên đến nay chỉ có duy nhất vườn xoài của ông Thơ ở vùng biên giới Lộc Hưng là người trồng và ghép được loại xoài Úc.
Ông Thơ cho biết, công ghép cành phải thuê dân chuyên nghiệp ở Nha Trang vào ghép mỗi cành là 2.000 đồng. “Mình tự ghép cành cũng được nhưng lâu, mỗi ngày ghép vài chục cành thì không biết đến lúc nào mới ghép xong 3 ha. Do đó, phải thuê người Nha Trang ghép đồng loạt trên 3ha nên vốn liếng đổ vào vườn xoài này rất lớn”, ông Thơ tính toán
Cái khó của xoài Úc là mùa thu hoạch đúng vụ Tết nhưng lại không phải mùa chính vụ, trong khi đó, qua vụ tết thì xoài mới trổ bông và cho đậu quả. Theo đó, để có trái xoài Úc bán đúng dịp Tết này, ông Thơ phải dùng nhiều kỹ thuật. kinh nghiệm trong chăm sóc để biến cây cho trái đúng vào dịp Tết và cho năng suất sản lượng cao, chất lượng xoài ngon. Hàng ngày vợ chồng ông đều ăn ở, sống cùng vườn xoài Úc để tưới nước, bón phân, ghép cành mới có thành quả. Ra vườn xoài, nhìn những trái xoài Úc hừng đỏ lớp da to tầm 1kg/quả trĩu cành, gương mặt khắc khổ của lão nông Trần Văn Thơ ánh lên vẻ mãn nguyện.
“Năm nay tôi tiếc quá đã dồn sức chạy đua để ghép cành cho đủ 3 ha xoài để có xoài phục vụ Tết, nhưng sản lượng ước thu được khoảng hơn 2 tấn là quá ít so với kỳ vọng. Bởi nếu đúng vụ, xoài đậu quả tốt cả 3 ha sẽ cho sản lượng ít nhất cũng 20 tấn, thu vài tỷ đồng”, ông Thơ cho biết.
Những cây xoài Úc được ghép cành trên cây xoài cát Hòa Lộc, do đó cùng một cây có hai loại quả ra chung một cành, quả là quá độc đáo và lạ mắt cho những ai chứng kiến. Khách đến đây nhìn những quả xoái Úc da đỏ hồng hồng trong rám nắng mùa xuân mà mê đắm lòng người.
Vườn xoài Úc của lão nông Trần Văn Thơ. |
Lộc Hưng là xã biên giới ở huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), vốn là xã nghèo nhất ở vùng đất đỏ rất khó khăn. Cuộc sống người dân quanh năm chỉ bám vào cây hồ tiêu, điều và cao su.
Gần đây, nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất, nhiều nhà nông đã mạnh dạn đưa cây xoài Úc, cây quýt đường, cây nhãn suồng trồng thí điểm đã tạo sản phẩm trái cây có chất lượng cao, cho thu nhập kinh tế khá.
Tuy nhiên những mô hình này mới “ tự phát” hoặc ở dạng thí điểm, chưa thể nhân rộng vì độ khó làm, công đầu tư chăm sóc lớn và chưa phù hợp thổ nhưỡng của từng vùng đất này, nên bà con mới chỉ làm lẻ tẻ, chưa xây dựng được thương hiệu và đầu ra ổn định.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang có chiến lược hoạch định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đối với sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc sản, nức vùng như xoài Úc trồng ở vùng biên giới Lộc Hưng cần được quan tâm khuyến khích để bà con nông dân có vốn làm ăn và chí thú làm giàu.
Ý kiến ()