Thứ Hai, 20/01/2025 00:49 (GMT +7)

Mong đợi gì từ cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-Tập Cận Bình?

Thứ 5, 06/04/2017 | 15:20:00 [GMT +7] A  A

Thời điểm gặp gỡ gấp gáp, nội dung thảo luận trải rộng, nhiều thách thức, chưa có sự hiểu biết lẫn nhau giữa các lãnh đạo cấp cao – đó là những nhân tố có thể khiến Mỹ, Trung Quốc chưa thể có bước đột phá lớn chỉ sau một cuộc gặp.

Mọi sự chú ý trong tuần này sẽ hướng về khu nghỉ dưỡng Mar-A-Lago, bang Florida, nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Donald Trump và Tập Cận Bình – hai lãnh đạo đại diện cho hai cường quốc có nền kinh tế, tiềm lực quân sự lớn nhất thế giới.

Việc sớm thu xếp cuộc gặp trong hai ngày 6-7/4 cho thấy nỗ lực của Mỹ và Trung Quốc nhằm tìm kiếm cách thức điều phối trục quan hệ có vai trò quan trọng nhất toàn cầu. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, rất khó để hai bên đạt thỏa thuận đột phá trong hợp tác song phương.

Ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình.

Tiếp xúc Mỹ – Trung lần này thúc đẩy sớm hơn khá nhiều so với các cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên dưới thời mỗi chính quyền mới ở Mỹ vốn thường được tổ chức vào quý IV của năm nhậm chức Tổng thống. Nó diễn ra tại thời điểm ông Donald Trump lên nắm quyền chưa được 3 tháng và Mỹ chưa kịp đề ra một chiến lược rõ ràng đối với châu Á – Thái Bình Dương nói chung và với Trung Quốc nói riêng.

Mức độ chuẩn bị của phía Mỹ là hạn chế, khi tiến trình hoạch định chính sách tại Washington gần như ngưng trệ. Bộ máy nhân sự chưa hoàn tất, sau khi ông Trump quyết loại bỏ gần như toàn bộ giới chức trong chính quyền Obama, nhưng chưa kịp bổ nhiệm, phê chuẩn nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền mới, nhất là tại Bộ Ngoại giao, Thương mại và nhiều cơ quan tham mưu chiến lược. Chưa xuất hiện một gương mặt nổi bật nào am hiểu tình hình châu Á, Trung Quốc trong hàng ngũ lãnh đạo, cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng.

Nội dung các cuộc thảo luận tại cuộc gặp lần này được dự báo là không mới, tồn tại dưới nhiều thời chính quyền Mỹ, xoay quanh các vấn đề song phương, nhất là về kinh tế-thương mại, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, tình hình Đài Loan, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Điểm mới có chăng chỉ là tính chất phức tạp gia tăng do tích tụ theo thời gian, gắn với ảnh hưởng, vị thế ngày một lớn của Trung Quốc có khả năng thách thức quyền lực Mỹ.

Một số điểm nóng tại châu Á-Thái Bình Dương phát triển theo chiều hướng tiêu cực. Trung Quốc đẩy nhanh hoạt động xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo ở Biển Đông, gây quan ngại tại khu vực. Triều Tiên liên tục tiến hành thử hạt nhân, tên lửa, tạo điều kiện để Mỹ gấp rút triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc bất chấp phản ứng của Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ chạy đua vũ trang ở Đông Á.

“Hiệu ứng Donald Trump” cũng có thể gây ra một số trở ngại cho tiếp xúc cấp cao. Trung Quốc đang phải đối mặt với một nước Mỹ khó đoán định nhất trong nhiều thập kỉ trở lại đây. Trước và sau khi thắng cử, ông Trump liên tục thể hiện quan điểm cứng rắn nhằm vào Trung Quốc. Ông cam kết sẽ có biện pháp cứng rắn về thương mại, đánh thuế cao hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm tạo xử lý vấn nạn thâm hụt thương mại, hướng đến quan hệ kinh tế cân bằng, “có đi có lại”. Tuy nhiên, trong quãng thời gian nắm quyền, ông Trump vẫn chưa có bất kỳ hành động nào thể hiện thay đổi bước ngoặt trong cách tiếp cận về Trung Quốc.

Thời điểm gặp gỡ gấp gáp, nội dung thảo luận trải rộng, nhiều thách thức, chưa có sự hiểu biết lẫn nhau giữa các lãnh đạo cấp cao – đó là những nhân tố có thể khiến Mỹ, Trung Quốc chưa thể có bước đột phá lớn chỉ sau một cuộc gặp. Phía Mỹ gián tiếp thể hiện thực tế này, khi giới chức Nhà Trắng nói rằng thảo luận giữa ông Trump và Tập Cận Bình rất khó khăn, khó có đột phá, chỉ là khúc dạo đầu tiên cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm tạo dựng khung hợp tác Mỹ-Trung trong tương lai.

Đây là có thể là cơ hội để hai bên xây dựng kênh tiếp xúc, tạo dựng lòng tin, bày tỏ mục tiêu cốt lõi mà từng bên theo đuổi, những điểm song trùng về lợi ích, nhưng chưa phải thời điểm để hai đi tới những thỏa thuận ràng buộc cuối cùng. Đó cũng là điều dễ hiệu, bởi để có được Thông cáo Thượng Hải năm 1972 – văn bản định hướng cho quan hệ Mỹ – Trung nhiều thập kỉ qua, hai nước đã mất rất nhiều năm thăm dò, tìm hiểu, kế nối, đàm phán, với hàng loạt các cuộc tiếp xúc con thoi, dài hơn nhiều so với 3 tháng nắm quyền ngắn ngủi của ông Trump cho đến nay, với chỉ đôi ba cuộc gặp giữa giới chức ngoại giao cấp cao hai nước.

Hoài Thanh (P/v TTXVN tại Mỹ)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu