Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 05:03 (GMT +7)
Mỹ cảnh báo thận trọng khi Trung Quốc đuối lý trong vấn đề Biển Đông
Thứ 5, 14/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Các quan chức Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ phản ứng với phán quyết bằng việc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, hoặc đẩy mạnh việc xây dựng gia cố các đảo nhân tạo.
Các nhà hoạt động Philippines vui mừng sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở Lahay trong cuộc tuần hành tại Manila ngày 12/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trung Quốc có thể sẽ vi phạm luật pháp quốc tế nếu tiếp tục đưa ra những giọng điệu thách thức và phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) phủ nhận những tuyên bố chủ quyền của nước này ở khu vực Biển Đông bất chấp việc Mỹ và Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi giải pháp hòa bình cho những tranh chấp ở vùng biển giàu tài nguyên này.
Được xem như một phép thử đối với quyền lực đang lên của Trung Quốc và sự đối đầu về kinh tế và chiến lược của nước này với Mỹ, PCA ngày 12/7 phán quyết rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines khi gây nguy hiểm cho các tàu bè, việc đánh cá và các dự án khai thác dầu mỏ của Philippines.
Ngày 12/7, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tại một diễn đàn quốc tế ở Washington đã nói rằng vụ kiện “có thể sẽ mở đường cho việc lạm dụng các thủ tục xét xử”. Ông này nói: “Nó chắc chắn sẽ phá hoại và làm suy yếu động cơ thúc đẩy các nước tiến hành đàm phán và hiệp thương để giải quyết các tranh chấp. Nó chắc chắn sẽ làm gia tăng xung đột và thậm chí là đối đầu”. Tuy nhiên, vị đại sứ này cũng nói rằng Bắc Kinh vẫn cam kết đàm phán với các bên khác trong vấn đề Biển Đông.
Mỹ, nước bị Trung Quốc cáo buộc làm gia tăng căng thẳng và quân sự hóa khu vực bằng các vụ tuần tra và diễn tập, cho rằng phán quyết của tòa cần được coi là chung cuộc và bắt buộc thực hiện. Tại buổi họp báo, Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói: “Chúng tôi nhất định sẽ đề nghị các bên không lợi dụng việc này làm cơ hội để thực hiện hành động có tính leo thang hay khiêu khích”.
Phán quyết của tòa có ý nghĩa quan trọng bởi đây là lần đầu tiên một tuyên bố pháp lý được đưa ra trong một vụ tranh chấp ở một trong những khu vực đánh cá và mỏ dầu khí hứa hẹn nhất thế giới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh sau khi Tòa PCA ra phán quyết về vụ Philippines kiện Bắc Kinh liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông ngày 12/7. Ảnh: THX/TTXVN |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết Washington trong những tuần gần đây đã thấy có những dấu hiệu Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông. Cố vấn chính sách châu Á hàng đầu của Tổng thống Barack Obama, ông Daniel Kritenbrink, cho biết Mỹ không có lợi ích gì khi khuấy động căng thẳng ở Biển Đông để làm lý do can dự vào khu vực này. Tại diễn đàn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ông Kritenbrink nói: “Chúng tôi có lợi ích lâu dài nếu thấy các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở châu Á-Thái Bình Dương, gồm cả khu vực Biển Đông, được giải quyết một cách hòa bình, không bị cưỡng ép và theo một cách thức phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Các chuyên gia luật quốc tế và các nhà quan sát về Trung Quốc cho rằng phán quyết là một “cú đấm pháp lý” đối với những tuyên bố của Bắc Kinh về vùng biển tranh chấp này. Phán quyết và sự chống đối của Bắc Kinh đã đưa Trung Quốc, Mỹ, Đông Nam Á và khái niệm về một trật tự quốc tế dựa trên những nguyên tắc ứng xử được công nhận tới một ngả rẽ rất nguy hiểm, một đường là đi tới đàm phán nhưng đường kia có phần nhiều khả năng hơn – đó là gia tăng căng thẳng ở một khu vực trọng yếu về chính trị và kinh tế.
Chas Freeman, nhà cựu ngoại giao Mỹ từng là phiên dịch cho Tổng thống Richard Nixon trong chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc năm 1972, nói: “Đây là chiến thắng chiến thuật cho Philippines và là sự thất bại chiến lược cho luật pháp quốc tế. Phán quyết đã đặt vấn đề này vào hoàn cảnh chỉ có thể giải quyết được bằng cách sử dụng vũ lực. Không có tiến trình ngoại giao nào đang diễn ra để dàn xếp các đòi hỏi chủ quyền và giờ cũng không có cả tiến trình pháp lý nữa”.
Julia Guifang Xue, Giáo sư luật quốc tế tại Đại học Giao thông Thượng Hải, nói rằng với sự nhạy cảm của Bắc Kinh về chủ quyền và an ninh, “chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc có nỗ lực mới nào đó để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình ở khu vực này”.
Trước đây, các quan chức Mỹ đã từng nói họ e rằng Trung Quốc sẽ phản ứng với phán quyết bằng việc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông như đã từng làm ở Biển Hoa Đông năm 2012, hoặc bằng cách đẩy mạnh việc xây dựng và gia cố các đảo nhân tạo.
Theo một quan chức Mỹ, người từng giúp xây dựng chính sách châu Á cho chính phủ Mỹ, trước viễn cảnh Trung Quốc tiếp tục quyết đoán, các nước trong khu vực và cả Mỹ cần tránh các hành động khiêu khích và để ngỏ lối cho Bắc Kinh theo đuổi các giải pháp hòa bình “và tránh làm mọi việc tồi tệ thêm”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Mỹ phải tuân thủ các cam kết phòng vệ của mình ở Thái Bình Dương và tái khẳng định với Philippines, Việt Nam và các nước láng giềng khác của Trung Quốc rằng nước này sẽ không bỏ rơi họ hoặc cam kết của ông Obama sẽ giành thêm nguồn lực cho an ninh ở châu Á. Phán quyết không có quyền buộc phải thi hành, song chiến thắng của Philippines có thể sẽ khuyến khích Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan đưa đơn khởi kiện tương tự.
Ý kiến ()