Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 03:49 (GMT +7)
Mỹ công bố chiến lược thương mại hướng tới công nhân trong nước
Thứ 7, 21/01/2017 | 17:19:00 [GMT +7] A A
Ngày 20/1, Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đàm phán lại Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một văn kiện ngay sau khi nhậm chức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng với việc thông báo nước Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuyên bố của Nhà Trắng công bố ngay sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump cho biết ông Trump đã cam kết đàm phán lại các thỏa thuận thương mại khác như NAFTA, được ký kết từ năm 1994 giữa Mỹ, Canada và Mexico. Tuyên bố cho biết trong một thời gian quá dài, người Mỹ đã buộc phải chấp nhận các thỏa thuận thương mại đặt lợi ích của người trong cuộc và giới tinh hoa tại Washington lên trên người lao động Mỹ. Và kết quả là nhiều thị trấn và thành phố đã phải chứng kiến nhà máy của họ đóng cửa trong khi những việc làm có lương cao lại bị chuyển ra nước ngoài, trong khi nước Mỹ đối mặt với sự gia tăng về thâm hụt thương mại và các cơ sở chế tạo bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tuyên bố cũng cho biết các thỏa thuận thương mại cứng rắn và công bằng sẽ được áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang lại hàng triệu việc làm cho người Mỹ, đồng thời nhấn mạnh nếu những đối tác của NAFTA từ chối thỏa thuận công bằng trong hiệp định đàm phán lại, Tổng thống Trump sẽ để ngỏ khả năng Mỹ sẽ rút khỏi NAFTA.
Trong chiến lược thương mại mới nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ được bắt bằng việc rút khỏi TPP, tuyên bố của Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ “trừng phạt những quốc gia nào vi phạm thỏa thuận thương mại và làm phương hại đến giới công nhân Mỹ trong tiến trình này”.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Chính phủ Trung Quốc cho biết có thể cùng Mỹ giải quyết nhiều tranh chấp thương mại thông qua đàm phán, trong khi một tờ báo của Trung Quốc cảnh báo rằng doanh nghiệp Mỹ có thể là mục tiêu trả đũa trong cuộc chiến thương mại. Ông Trump đã làm dấy lên những lo ngại tại Nhật Bản và một số nước khác tại châu Á-Thái Bình Dương về những phản đối đối với TPP và những yêu cầu của ông trong chiến dịch tranh cử khi cho rằng các nước đồng minh phải trả nhiều hơn cho vấn đề an ninh của họ.
TPP bao gồm các thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thỏa thuận này đang trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Hiện nhiều nước thành viên TPP đang cân nhắc khả năng triển khai hiệp định này mà không cần sự tham gia của Mỹ.
Ý kiến ()