Thứ Sáu, 24/01/2025 04:26 (GMT +7)

Năng lực thực sự của Triều Tiên đối với bom nhiệt hạch đến đâu?

Thứ 2, 04/09/2017 | 09:23:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Triều Tiên vừa tuyên bố thử thành công bom H và sẽ gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tuy nhiên, năng lực thực sự của Triều Tiên đến đâu?

Bom H là loại bom như thế nào?

Bom H (hay còn gọi là bom Hydro, bom nhiệt hạch) là loại bom hạt nhân có sức công phá khủng khiếp hơn rất nhiều so với bom A (bom nguyên tử) hay các loại bom truyền thống khác.

nang luc thuc su cua trieu tien doi voi bom h den dau hinh 1
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát nơi chế tạo bom H. Ảnh: KCNA

Điều này đồng nghĩa với việc chỉ một khối lượng nhỏ loại bom này cũng đủ gây ra những thảm họa rất lớn. Lợi thế này giúp bom H có thể được thu nhỏ để gắn lên các tên lửa đạn đạo liên lục địa, điều mà Triều Tiên tuyên bố họ đã làm được.

Dù các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về khả năng gắn đầu đạn mang bom H lên tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên, việc nước này tuyên bố như vậy cũng khiến rất nhiều nước lo ngại về viễn cảnh chiến tranh hạt nhân nổ ra trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên giờ đang “căng như dây đàn”.

Bom H sử dụng cơ chế “hợp hạch” trong đó các đồng vị hydro “nặng” bị ép kết hợp lại với nhau để giải phóng một nguồn năng lượng lớn hơn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần so với các loại năng lượng hạt nhân khác.

Trong khi đó, Bom A lại sử dụng cơ chế “phân hạch” chia rẽ các đồng vị plutoni và uranian thành các nguyên tử nhỏ hơn trong một chuỗi phản ứng để giải phóng ra một nguồn năng lượng lớn (nhưng vẫn chưa “thấm” vào đâu so với Bom H).

Các loại Bom A sử dụng plutoni vì thế thường rất to và nặng. Những quả bom đầu tiên như quả “Gã béo” mà Mỹ thả xuống Nagasaki hồi năm 1945 nặng tới 4.700kg và có đường kính 1,5m. Trọng lượng và kích thước “quá khủng” này khiến Bom A “không thể gắn nổi lên các tên lửa đạn đạo”.

Chính vì thế, các chuyên gia quân sự đã phải tìm cách thu nhỏ kích thước và trọng lượng bom nguyên tử để có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tuy nhiên, đây là một quá trình hết sức phức tạp và cần sự cân bằng “gần như tuyệt đối” giữa độ nhỏ của đầu đạn và số lượng chất nổ mang theo.

Sức công phá khủng khiếp

Vụ thử bom H ngày 3/9 là vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên. Vụ thử thứ 5 của nước này diễn ra gần 1 năm trước và khi đó, sức công phá của quả bom hạt nhân ước tính vào khoảng 10 kiloton.

Trong khi đó, theo ước tính của Cơ quan Nghiên cứu Địa chấn NORSAR có trụ sở tại Na Uy, vụ thử bom H của Triều Tiên lần này có sức công phá lên đến 120 kiloton còn theo Cơ quan Khí tượng Thủy văn Hàn Quốc, con số này là gần 50 kiloton.

Dù vậy, theo các chuyên gia, sức công phá của quả bom H này vẫn là rất khủng khiếp. Điều này cho thấy Triều Tiên đã đạt được những bước tiến “chóng mặt” trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cảnh báo, sau vụ thử bom H này, Triều Tiên gần như chắc chắn có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đến bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

Bản thân Bình Nhưỡng cũng khẳng định, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của họ có thể chạm đến các mục tiêu sâu trong đất liền của Mỹ. Tuy nhiên, tuyên bố này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Năng lực thực sự vẫn là dấu hỏi lớn

Theo một số chuyên gia, việc sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa không đồng nghĩa với việc tên lửa này có thể đánh vào bất kỳ mục tiêu nào mà Triều Tiên mong muốn.

Để phát triển một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiệu quả, Triều Tiên không chỉ phải tính đến tầm xa mà quả tên lửa đó phóng được mà còn phải tính toán đến độ chính xác của quả tên lửa đó. Điều này được cho là “khó gấp trăm lần” so với việc đạt được một tầm xa nhất định.

Cho đến nay, Triều Tiên đã nhiều lần phóng tên lửa theo góc phóng thẳng. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu phóng ở góc thường, tên lửa Triều Tiên hoàn toàn có thể chạm đến một lục địa khác.

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Tên lửa đạn đạo liên lục địa được dẫn đường bởi hàng loạt các tên lửa nhỏ giúp đẩy tên lửa đạn đạo liên lục địa bay cao hàng nghìn km ra ngoài bầu khí quyển, bay xung quanh trái đất trước khi quay trở lại bầu khí quyển và lao xuống mục tiêu.

Rất nhiều vụ thử tên lửa của Triều Tiên và các nước trên thế giới đều đã thất bại trong quá trình quay trở lại bầu khí quyển. Ngay khi tiếp cận bầu khí quyển, các quả tên lửa này đều bốc cháy hết trước khi chạm mục tiêu.

“Hầu hết các tàu vũ trụ khi quay trở lại bầu khí quyển Trái đất đều phải có hệ thống bảo vệ nhiệt nhằm giúp các tàu vũ trụ không cháy rụi từ bên trong. Nếu so với các tàu vũ trụ, các quả tên lửa có tốc độ lớn hơn nhiều nên khi đi vào bầu khí quyển, chúng tạo nên áp suất và nhiệt cực lớn”, ông Martin Navias một chuyên gia về quốc phòng chia sẻ.

Chính vì thế, quá trình này đòi hỏi việc thử nghiệm phải được tiến hành thường xuyên và liên tục cho đến khi đạt kết quả mong muốn. Dù được đánh giá là “rất tích cực” thử nghiệm tên lửa, Triều Tiên phải mất tới hơn 20 năm mới có thể phát triển được tên lửa đạn đạo liên lục địa được đánh giá là “có khả năng hoạt động ổn định”.

Hơn nữa, theo ông Navias, ngay cả khi Triều Tiên gắn được đầu đạn mang bom H lên tên lửa đạn đạo liên lục địa, họ lại tiếp tục vấp phải một câu hỏi hóc búa khác: Liệu đầu đạn này có “sống sót” nổi sau hàng loạt sự thay đổi chóng mặt về nhiệt độ trên hành trình bay của tên lửa hay không?

Câu trả lời duy nhất là Triều Tiên phải tiếp tục thử nghiệm và họ chỉ có thể thành công trong điều kiện quả tên lửa và đầu đạn vẫn hoạt động bình thường và quay trở lại bầu khí quyển Trái đất “bình an vô sự”.

Sau quá trình tốn thêm rất nhiều thời gian và tiền của đó, Triều Tiên sẽ phải tiếp tục đổ thêm “một núi tiền” và “một biển công sức” vào việc đảm bảo rằng tên lửa của mình có thể bay đủ xa để chạm đến mục tiêu với độ chính xác cao nhất có thể./.

 

Trần Khánh/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu