Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 11/01/2025 08:48 (GMT +7)
Nga hoàn thành việc kiểm tra đột xuất Hạm đội Thái Bình Dương
Thứ 6, 21/04/2023 | 09:52:34 [GMT +7] A A
VOV.VN - Ngày 20/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo hoàn thành kiểm tra đột xuất Hạm đội Thái Bình Dương. Việc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội cho thấy, quân đội sẵn sàng đẩy lùi cuộc tấn công của kẻ thù tiềm năng từ các hướng đại dương và biển.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, “chỉ huy và nhân viên của hạm đội trong thời gian ngắn đã tiến hành chuẩn bị lực lượng cho các hoạt động chiến đấu, triển khai tác chiến và thực hiện một loạt các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu ở các vùng biển gần và xa”.
Trong quá trình kiểm tra, các cuộc tập trận đã được tổ chức, trong đó hạm đội đẩy lùi các cuộc không kích - tên lửa lớn, được huấn luyện để phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm. Ngư lôi, bắn pháo và phóng tên lửa được thực hiện vào các mục tiêu giả định - tàu địch và các mục tiêu mặt đất.
Lực lượng phòng không và hàng không cũng tham gia cuộc tập trận. Tổng cộng, hơn 25.000 quân nhân, khoảng 90 máy bay và trực thăng, (bao gồm máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-95MS và máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3), gần 170 tàu (bao gồm 12 tàu ngầm) đã tham gia kiểm tra.
Tổng tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Nikolai Evmenov cho biết, việc huấn luyện lực lượng ven biển và lính thủy đánh bộ có tính đến kinh nghiệm chiến đấu thu được trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố bắt đầu kiểm tra vào ngày 14/4. Hạm đội đã được báo động toàn lực và sẵn sàng chiến đấu ở mức độ cao nhất.
Ba ngày sau, Bộ trưởng Shoigu đã báo cáo về tiến độ của cuộc kiểm tra với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông đánh giá giai đoạn đầu tiên của nó đã vượt qua ở mức rất cao (kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu). Trong khi đó, theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga Đmitry Peskov, việc kiểm tra đột xuất Hạm đội Thái Bình Dương là nhằm duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cần thiết của các lực lượng vũ trang. Sự kiện này không liên quan đến các tuyên bố về việc mở rộng NATO về phía đông.
Theo giới quan sát, việc kiểm tra này có thể liên quan đến tình hình gần đây, khi căng thẳng quân sự đã gia tăng đáng kể ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ, Vương quốc Anh và Australia thành lập một khối quân sự mới - nó đã được gọi là NATO châu Á (Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tham gia).
Hải quân Mỹ và Hàn Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận lớn. Thỉnh thoảng, vang lên những “lời hứa” của Tokyo về việc lấy lại quần đảo Kuril. Căng thẳng gia tăng xung quanh Đài Loan. Washington đã cung cấp vũ khí cho họ, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Ngoài ra, Triều Tiên thỉnh thoảng lại phóng tên lửa mới. /.
PV/VOV-Moscow
Ý kiến ()