Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 10/01/2025 23:16 (GMT +7)
Nga tinh giản chính phủ do ngân sách gặp khó khăn
Thứ 3, 22/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 21/12 đã ký nghị định cắt giảm 10% số nhân viên chính phủ từ ngày 1/1/2016.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (ảnh) trong cuộc họp nội các ngày 26/11. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Quyết định này được ông Medvedev công bố trong cuộc họp với các Phó Thủ tướng chính phủ. Ông Medvedev giải thích rằng trong điều kiện tình hình toàn cầu và ngân sách khó khăn, Moskva cần đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả.
Hãng tin Interfax dẫn lời ông Medvedev nói: “Chúng ta cần bộ máy gọn nhẹ. Chúng ta đã nói về điều này từ lâu, thậm chí ngoài bối cảnh cuộc khủng hoảng. Vấn đề là bộ máy cần sự linh hoạt và nếu không giám sát qui mô, nó sẽ phình to theo các nguyên nhân khách quan”.
Tuy nhiên, ông Medvedev nhấn mạnh quyết định này sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Các Phó Thủ tướng cùng bộ ngành liên quan cần đảm bảo thực thi quyết định, và việc giám sát được giao cho Phó Thủ tướng Sergei Prikhodko.
Việc soạn thảo sắc lệnh tinh giản chính phủ được Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov thông báo hồi đầu tháng 3. Trước đó, trong tháng 12, chính phủ Nga cũng thông qua đạo luật hủy bỏ việc điều chỉnh lương công chức, sĩ quan quân đội và cơ quan tư pháp trong năm 2016. Theo đề nghị của chính phủ, biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 1/1/2017.
Nga phản đối EU gia hạn trừng phạt
Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày 21/12 đã có phản ứng trước quyết định ra hạn lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Bộ này cho rằng việc EU gắn các biện pháp trừng phạt Moskva với việc giải quyết cuộc xung đột ở Đông Nam Ukraine là gượng ép, không có cơ sở, và thiếu logic.
Cơ quan thông tin báo chí Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho biết: “Moskva lưu ý tới quyết định ngày 21/12 của EU về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga. Chúng tôi phải nói rằng thay vì hợp tác xây dựng trong việc chống lại những thách thức nghiêm trọng của thời đại chúng ta, chẳng hạn như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Brussels lại muốn tiếp tục chơi trò trừng phạt thiển cận”.
“Việc EU gắn các biện pháp trừng phạt với giải quyết xung đột ở Đông Nam Ukraine là gượng ép và không hợp lý. Cuộc xung đột này không liên quan tới Nga, mà liên quan tới chính quyền Ukraine hiện nay – những người đã tìm cách sử dụng vũ lực đàn áp những người bất đồng chính kiến tại Donbass đối với cuộc đảo chính ở Kiev hồi tháng 2/2014. Cần lưu ý xuất phát điểm khủng hoảng ở Ukraine trong 2 năm qua liên quan tới việc nước này hội nhập với chính EU”, cơ quan trên nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng tình hình sẽ thay đổi nếu EU buộc Kiev phải thực trọn gói các thỏa thuận Minsk, được phê chuẩn theo Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo bộ trên, trong tình hình này, việc kéo dài lệnh trừng phạt Nga hoàn toàn là đạo đức giả.
Ý kiến ()