Thứ Năm, 16/01/2025 16:53 (GMT +7)

Ngành nông nghiệp lo ngại trâu, bò, lợn bị bơm nước; tôm bị bơm hóa chất

Thứ 6, 10/02/2017 | 16:41:00 [GMT +7] A  A

Trong thời gian tới, công tác thanh tra của ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào xử lý tình trạng bơm nước vào lợn, trâu, bò và hóa chất vào tôm.

Đó là thông tin được Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017 do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 10/2 tại Hà Nội.

“Đã đạt được mục tiêu là kiểm soát việc sử dụng chất cấm salbutamol và vàng vô trong chăn nuôi. Qua lấy hơn 1.500 mẫu không phát hiện có chứa salbutamol và vàng ô. Tuy nhiên, quá trình thanh tra phát hiện nhiều trường hợp sử dụng hóa chất công nghiệp trong chăn nuôi. Đặc biệt, phát hiện chất mới là cysteamine sử dụng trong chăn nuôi. Tháng 1/2017 đã đưa chất này vào danh sách cấm vì có tính chất tương tự như salbutamol”, Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Việt nói.

Bên cạnh đó, vấn nạn bơm nước vào lợn, trâu, bò, dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản… vẫn còn phức tạp.

Lợn được bơm nước căng, không thể đứng lên được ở một trang trại ở miền Nam. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Do vậy, ông Việt cho biết: “Trong thời gian tới, công tác thanh tra sẽ tập trung vào vấn nạn bơm nước vào lợn, trâu, bò và hóa chất trong tôm. Thanh tra kiểm tra chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp…”.

Theo ông Việt, phải đẩy mạnh thanh tra đột xuất. Việc thanh tra theo kế hoạch chỉ để nhắc nhở, có phát hiện nhưng không xử lý. Tuy nhiên, khi cơ quan trinh sát, điều tra của bên công an phát hiện sẽ phải tổ chức thanh tra đột xuất. Thanh tra NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan như: Bộ Công Thương, công an, y tế… thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm.

Về vấn đề an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “An toàn thực phẩm là mặt trận “nóng bỏng”, rất khó khăn, phức tạp. Hiện nay, nhận thức của một số nông dân, người dân chưa đầy đủ, thiết chế xử lý chưa đủ sức răn đe, tiêu chuẩn, quy chuẩn thiếu, năng lực quản lý nhiều cơ quan chưa đáp ứng yêu cầu… Do vậy, phải có những giải pháp đồng bộ, liên tục, kiên trì từ Trung ương xuống địa phương, triển khai quyết liệt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”.

H.V- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu