Thứ Năm, 16/01/2025 13:48 (GMT +7)

Nghệ nhân bonsai ở đất Tây Đô

Thứ 6, 20/01/2017 | 18:09:00 [GMT +7] A  A

Nghệ nhân bonsai ở đất Tây Đô Hơn 15 năm gắn bó với nghệ thuật bonsai, anh Nguyễn An Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bonsai Tây Đô (thành phố Cần Thơ) được nhiều người đánh giá là một nghệ nhân có tiếng ở miền Tây Nam bộ.

Vườn kiểng của anh Hà ở khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) rộng khoảng hơn 2 ha, có đủ loại cây, hầu hết là cây lâu năm. Giới thiệu vườn với những gốc bonsai đủ kiểu dáng, kích cỡ, anh Hà chia sẻ thoạt đầu, anh chơi kiểng chủ yếu là nhằm thư giãn và kết giao bạn bè, nhưng càng khám phá anh càng thấy say mê.

Kinh doanh hàng nông sản, anh phải đi nhiều nơi. Với niềm đam mê cây kiểng, đến đâu anh cũng để ý xem có cây nào lạ để tìm mua về. Mỗi lần phát hiện một dáng cây lạ, độc đáo, anh lại tìm đến để học hỏi hoặc mua về, biến cây thành tác phẩm có hồn. Từ sở thích nhằm thư giãn sau giờ làm việc, anh đã dần gắn bó với nghệ thuật bonsai. Sau nhiều tháng ngày kỳ công sưu tầm cây kiểng, nghiên cứu kỹ thuật uốn sửa, tạo dáng, phối cảnh… giờ đây, anh Hà đã có một khu vườn kiểng bonsai với hơn 500 gốc, có giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Chỉ vào từng cây, anh Hà thuyết minh: Đây là cây Linh Sam, được anh lấy từ vùng núi Phú Yên về đã giúp anh đoạt “Giải Vàng Tao Đàn” năm 2014. Cây si 40 năm tuổi có nguồn gốc từ Long An. Anh đã “biến” cây si vốn sinh trưởng mạnh trong tự nhiên thành một cây bonsai cao 1,2m với đường kính gốc 1,5m, đạt tỷ lệ vàng trong kiểng bonsai. Bộ 4 gốc bonsai khế cổ có tuổi đời hơn 100 năm được mang về từ Vĩnh Long trĩu trịt quả xanh quả vàng, những nhánh cây màu nâu được phủ kín bằng những chùm hoa khế tím.

Anh Hà cho biết, bonsai nghĩa là một mô hình cây cổ thụ thu nhỏ. Chơi bonsai là chuyển tải triết lý sống vào từng thế cây, nhánh lá. Một chậu bonsai quý phải đạt các tiêu chí: Độ tuổi của cây và giá trị nghệ thuật. Cây càng lâu năm càng quý, gốc to, lá nhỏ, thế cây và độ cao hài hòa. Nếu như lũa là phần thân cây đã chết khô hóa gỗ, tượng trưng cho phần âm, những chồi non, lá…lại tượng trưng cho dương khí.

Người chơi bonsai giỏi là người tạo được sự “quấn quýt” âm – dương này. Từ phần lũa tưởng chừng khô cằn sẽ nảy ra một nhánh cây xanh mướt; từ sự thô cứng của lũa sẽ bung ra những cánh hoa mềm mại…Tất cả sự tương phản ấy tạo nên một kiểng bonsai giá trị, mang thông điệp sức sống vươn lên mãnh liệt của con người, vượt qua gian khổ để trưởng thành.

Các tác phẩm cây bonsai ở vườn của anh Hà không chỉ bó hẹp trong một số giống cây truyền thống như phong cách bonsai Nhật Bản. Đam mê tìm tòi sáng tạo, anh Hà đã có một bộ sưu tập phong phú các cây kiểng cổ thụ có tuổi đời trăm năm, thậm chí hai ba trăm năm với những loại cây như nguyệt quế, linh sam, la hán tùng, mai vàng, khế, mẫu đơn, si, me…Giá bán mỗi cây lên tới hàng tỷ đồng. Cây nào cũng được cắt tỉa, uốn sửa và tạo dáng theo phong cách sáng tạo riêng của anh.

Bước chân vào khu vườn của anh Hà, mọi người sẽ rất dễ choáng ngợp trước chủng loại, kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc… của đủ các loại cây. Tuy vậy, chúng có điểm chung là cây nào cũng có dáng uyển chuyển, thanh thoát, tinh tế. Chậu và cây tương xứng về dáng, cỡ; tàng và nhánh cây cân đối. Điểm xuyết giữa màu xanh của lá, đâu đó trong vườn là những gốc linh sam Phú Yên, lá nhỏ, mịn, hoa tím nhung, thân hình uốn lượn, gốc rễ hùng mạnh…

Ngoài sưu tầm các gốc cây về bổ sung cho vườn kiểng, anh Hà còn là một người say mê, chịu khó tìm tòi, học hỏi những kỹ thuật tiên tiến để ngày càng nâng cao chất lượng tác phẩm bonsai. Ngoài hàng trăm tác phẩm bonsai đơn có giá trị nghệ thuật, anh còn sáng tạo ra nhiều non bộ, tiểu cảnh đặc sắc, đó là sự phối hợp nhiều loại cây bonsai vào một chậu kiểng, đôi khi phủ thêm lớp cỏ nhung mềm dưới gốc cây hoặc ẩn hiện sau tảng đá, nhành cây là những chú cò, những bức tượng lão ông chơi cờ.

Nói về kỹ thuật chăm sóc cây, anh Hà hóm hỉnh chia sẻ: “Chăm cây y như chăm con mọn vậy”. Khi cây còn nhỏ hoặc mới được đưa về vườn, đây là giai đoạn dưỡng cây nên việc chăm sóc khá nhàn. Cây được bón các loại phân hữu cơ thông thường để phát triển toàn diện. Sau đó, đến phần uốn tạo dáng và tỉa cành để tạo dáng là người nghệ nhân bắt đầu “vã mồ hôi”. Ở công đoạn này, tùy vào từng loại, nghệ nhân sẽ phải tìm cách “ức chế” sinh trưởng của cây, xịt thuốc dưỡng lá, bón phân lợi rễ…

Cái khó là vừa phải “ức chế” không cho cây tăng trưởng về chiều cao nhưng lại để cây ra đủ nhánh để tạo kiểu, đồng thời lá phải xanh tươi, hoa trái nhiều. Đôi khi, việc sử dụng nhiều loại thuốc sẽ khiến cây bị “ngộ độc”, với các triệu chứng rụng lá, thối rễ…Lúc này, nghệ nhân sẽ phải xả độc cho cây bằng nhiều cách, trong đó cách đơn giản nhất là nhổ cây lên, rửa sạch bộ rễ rồi ngâm vào chậu nước sạch khoảng một tuần. Ngoài ra, một số loại cây còn hay bị rệp sáp phá hại. Các nhà vườn đã có cách làm rất hiệu quả là trộn thuốc diệt rệp với ít đường, kiến ăn đường để kiến làm vật trung gian vận chuyển thuốc vào tận ổ, tiêu diệt triệt để rệp.

Theo ước tính, mỗi năm anh thu nhập khoảng hơn 1 tỷ đồng từ bán kiểng bonsai. Hàng năm, thành phố tổ chức Hội hoa Xuân, anh Hà luôn là gương mặt không thể thiếu. Anh là một trong những nghệ nhân đóng góp nhiều tác phẩm cho các kỳ triển lãm ở Cần Thơ và các tỉnh, thành phố lân cận.

Ánh Tuyết (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu