Thứ Tư, 08/01/2025 03:05 (GMT +7)

Nghị sĩ Mỹ ủng hộ hoạt động tuần tra của hải quân ở Biển Đông

Thứ 4, 28/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Các nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ với động thái chính quyền Obama điều tàu khu trục tuần tra vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Nghị sĩ Mỹ ủng hộ hoạt động tuần tra của hải quân ở Biển Đông

Tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngày 27/10, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, ông John McCain đã hoan nghênh quyết định của Chính quyền Tổng thống Barack Obama điều tàu chiến tiến hành hoạt động tuần tra ở Biển Đông, song cho rằng động thái này đáng lẽ phải được triển khai từ lâu.
Trong một tuyên bố bằng văn bản, Thượng nghị sĩ McCain nêu rõ: “Tôi vui mừng trước việc Hải quân Mỹ cuối cùng cũng được cho phép tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể đá nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông”. Tuy nhiên, ông McCain cũng chỉ trích Nhà Trắng đưa ra quyết định trên quá chậm chạp, đồng thời hối thúc tiến hành thường xuyên các chuyến tuần tra như vậy.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Các lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, cũng hoan nghênh quyết định trên của Hải quân Mỹ. Ông Randy Forbes cho rằng “việc các tàu Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông là cần thiết và là một hành động phản ứng muộn màng trước cách hành xử gây bất ổn khu vực của Bắc Kinh. Theo luật pháp quốc tế, rõ ràng Trung Quốc không có tuyên bố hợp pháp nào đối với chủ quyền tại các vùng biển này và giờ chính là thời điểm để Chính quyền Obama tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với tự do hàng hải và đảm bảo hòa bình-ổn định tại châu Á-Thái Bình Dương”.
Trước đó, Hạ nghị sĩ Randy Forbes là người đứng đầu một nhóm 29 nghị sĩ lưỡng Đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ hối thúc Tổng thống Obama cho phép triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực này.
Cũng trong ngày 27/10, một quan chức Mỹ cho biết Hải quân nước này sẽ điều thêm các tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Quan chức yêu cầu giấu tên trên khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm lại một lần nữa. Chúng tôi đi trên những vùng biển quốc tế vào thời điểm và khu vực theo lựa chọn của chúng tôi
Trước đó cùng ngày, khi điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đề nghị có thêm hoạt động tại khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo nói trên. Ông Carter nêu rõ: “Chúng ta đang hành động dựa trên cơ sở rằng chúng ta sẽ bay, đi trên biển và hoạt động tại bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép và vào bất cứ khi nào các nhu cầu về hoạt động của chúng ta cần đến”
Washington đã từng nhiều lần tuyên bố nước này không công nhận những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo được xây dựng trái phép trên Biển Đông. Ngày 27/10, Mỹ cho tàu khu trục USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh hai đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
Phản ứng trước động thái này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã bày tỏ sự hoan nghênh. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Philippines tuyên bố: “Tôi cho rằng mọi người đều hoan nghênh một sự cân bằng về quyền lực. Một khi (chiến hạm Mỹ) tuân theo các luật lệ quốc tế, chúng tôi không thấy có vấn đề gì trong việc các tàu không có ý định thù địch đi qua. Nếu nói ủng hộ tự do hàng hải mà lại tìm cách ngăn cản các tàu bè khác, thì có vẻ không phù hợp”.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Australia cũng ra thông cáo khẳng định: “Điều quan trọng cần phải thừa nhận là theo luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải và hàng không, kể cả tại Biển Đông. Australia ủng hộ mạnh mẽ các quyền này”. Bộ trên cho biết hiện Australia không tham gia các hoạt động cùng với Mỹ tại Biển Đông nhưng nước này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Washington và các đối tác khác trong khu vực về an ninh hàng hải. Bộ Quốc phòng Australia cũng lưu ý rằng gần 60% lượng hàng xuất khẩu của nước này được vận chuyển qua Biển Đông và Australia có các lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại vùng biển quan trọng này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27/10 đã bày tỏ sự ủng hộ động thái Mỹ điều tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen tới vùng Biển Đông. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Astana của Kazakhstan khi đang ở thăm quốc gia Trung Á này, ông Abe tuyên bố: “Tôi hiểu rằng việc đó (tàu chiến USS Lassen đã được điều đi) phù hợp với luật pháp quốc tế”. Theo một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, Tokyo nhìn nhận một cách tích cực đối với hoạt động tuần tra hàng hải của Mỹ ở khu vực.
Trong một diễn biến nhằm xoa dịu Trung Quốc, ngày 27/10, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố mối quan hệ với Trung Quốc có tầm quan trọng sống còn và Washington muốn chứng kiến mối quan hệ này phát triển bất chấp những khác biệt về vấn đề Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Gạt bỏ vấn đề này (Biển Đông), quan hệ Mỹ – Trung là cực kỳ quan trọng và chúng tôi muốn chứng kiến mối quan hệ này tiếp tục cải thiện và phát triển vì lợi ích của cả hai nước chúng ta”.
Chuyến tuần tra của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ và việc tàu này áp sát một trong những đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông được giới quan sát nhìn nhận là sự khởi đầu cho một loạt hành động thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở một trong những tuyến đường biển tấp nập nhất thế giới này.
TN (Theo AFP/Kyodo)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu