Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 28/01/2025 00:02 (GMT +7)
Người cao tuổi Nhật Bản chiến đấu với khủng hoảng kép trong đại dịch COVID-19
Thứ 3, 05/05/2020 | 15:03:00 [GMT +7] A A
Khi tình hình dịch COVID-19 tại Nhật Bản vẫn đang diễn biến phức tạp, người cao tuổi chiếm phần lớn dân số nước này phải đối mặt với cuộc chiến kép, đó là vừa ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 vừa đảm bảo các biện pháp phòng dịch không khiến sức khỏe của họ trở nên tệ hơn.
Người cao tuổi đeo khẩu trang ở quận Sugamo của Tokyo. Ảnh: Reuters
Theo tờ Japantimes, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu người dân ở nhà nhằm làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, điều này đã khiến người cao tuổi không thể ra ngoài tham gia các hoạt động thể chất và giao tiếp xã hội với bạn bè, gia đình và hàng xóm, làm tăng nguy cơ suy giảm thể lực và ảnh hưởng lớn đến tinh thần của họ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người cao tuổi nên thường xuyên tập thể dục, ăn uống đầy đủ và tích cực giao tiếp với mọi người, không nhất thiết phải gặp gỡ trực tiếp mà có thể trò chuyện qua điện thoại, thư hoặc các phương tiện truyền thông xã hội khác, nhằm cải thiện sức khỏe tốt hơn.
“Người cao tuổi cần phải vận động ngay cả khi họ ở nhà, có nhiều cách vận động thể chất khác nhau giúp người già cải thiện sức khỏe. Khi ở lâu trong nhà, người cao tuổi có nguy cơ suy giảm thể lực và trở nên suy nhược”, ông Haruo Ozaki, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Tokyo, cho biết.
Suy nhược thể chất là giai đoạn sức khỏe từ khỏe mạnh trở nên suy yếu và rất cần được chăm sóc, đặc biệt là đối với những người cao tuổi. Nhật Bản đang chứng kiến tình trạng dân số già đi nhanh chóng. Trong đó, khoảng ¼ người dân (chiếm 28% dân số) Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay khiến Nhật Bản trở thành quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi lớn nhất thế giới.
Người cao tuổi và những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn được xác định có nguy cơ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong cao hơn nếu họ mắc COVID-19 – căn bệnh do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Nhật Bản có tỷ lệ người cao tuổi lớn nhất thế giới. Ảnh: AFP
Tính đến ngày 5/5, Nhật Bản đã ghi nhận 15.078 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 536 ca tử vong. Con số này ít hơn nhiều so với Mỹ, nơi các trường hợp mắc bệnh COVID-19 đã vượt mốc trên 1 triệu người và các quốc gia như Italy, Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong tại Nhật Bản chủ yếu rơi vào những bệnh nhân trên 60 tuổi. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản, tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân trong độ tuổi 30, 40 và 50 tuổi chỉ dưới 1%. Trong khi đó, các bệnh nhân độ tuổi 60 chiếm 2,1% ca tử vong vì COVID-19 tại nước này, những người 70 tuổi chiếm 6% và những người ở độ tuổi 80 chiếm 12,9%.
Thủ tướng Shinzo Abe đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vì dịch COVID-19 đến hết tháng 5. Tuy nhiên, chính phủ nước này không đưa ra biện pháp phong tỏa hoàn toàn mà chỉ yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài khi không cần thiết.
Khi các quốc gia vật lộn với dịch COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra lời khuyên về cách duy trì vận động nhằm cải thiện sức khỏe, bao gồm leo cầu thang và làm việc nhà. Đối với những người lớn tuổi có khả năng di chuyển kém, WHO khuyến cáo nên thực hiện một số hoạt động thể chất 3 ngày hoặc nhiều ngày một tuần để cải thiện cân bằng và tránh té ngã.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Công nghệ Fukuoka hợp tác với thị trấn Sasaguri, đã theo dõi khoảng 1.600 người không bị khuyết tật chức năng từ 65 tuổi trở lên trong 6 năm, từ năm 2011, đã tiết lộ rằng hoạt động thể chất từ mức độ trung bình đến mạnh ít hơn 10 phút, ví dụ như dắt chó đi dạo, chơi với trẻ em hoặc hút bụi, có thể làm giảm nguy cơ chăm sóc người già trong tương lai.
Khi chưa thể dự đoán chính xác thời gian kết thúc đại dịch, một nhóm chuyên gia y tế đã khuyến nghị chính phủ thực hiện các biện pháp để giúp đỡ người cao tuổi, đặc biệt là những người sống một mình, duy trì sức khỏe của họ trong thời gian ở nhà.
Nhân viên của một công ty công nghệ thông tin tập bài thể dục Rajio Taiso trong văn phòng của họ sau giờ ăn trưa ở Tokyo. Ảnh: AFP
Một số thành phố đã tổ chức các chương trình tập thể dục Rajio Taiso – bài thể dục vừa nghe nhạc trên radio vừa tập – một chương trình đã quen thuộc với người cao tuổi. Thói quen tập thể dục với những động tác đơn giản, dựa trên những tiết tấu nhạc piano, cũng đã được áp dụng trong các khu vực bị thiệt hại do thiên tai để giúp người di tản trong các nhà tạm trú hoặc nhà ở tạm thời có thể cải thiện sức khỏe.
Trong khi Iwate là tỉnh duy nhất không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 nào, thị trấn Otsuchi đã phát sóng chương trình tập thể dục được ưa chuộng suốt hàng chục năm trên NHK hai lần một ngày qua đài phát thanh phòng chống thiên tai kể từ giữa tháng 4.
https://baotintuc.vn/the-gioi/nguoi-cao-tuoi-nhat-ban-chien-dau-voi-khung-hoang-kep-trong-dai-dich-covid19-20200505111136262.htm
Ý kiến ()