Thứ Hai, 20/01/2025 04:47 (GMT +7)

Người lao động thời vụ lo lắng về thu nhập

Thứ 3, 29/12/2020 | 09:30:00 [GMT +7] A  A

Dù là ở Pháp, Malaysia hay là Mỹ, người lao động của “nền kinh tế gig” – những công việc ngắn hạn, mang tính thời vụ – đều lo sợ về viễn cảnh không thể tồn tại dựa trên thu nhập từ công việc mà họ luôn cảm thấy mong manh.

Có rất nhiều người Malaysia làm việc cho Grab. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết “nền kinh tế gig” bao gồm hàng triệu người đang làm những công việc cho các hãng vận chuyển, dịch vụ gọi xe trực tuyến hay các công việc thời vụ khác.

Một trong số đó là anh Wissem Inal-người rong ruổi trên 700km một tuần với chiếc xe máy, vận chuyển 10 đơn giao hàng đồ ăn mỗi tối ở vùng ngoại ô Paris (Pháp). Wissem Inal vốn làm việc cho Deliveroo từ 2017, chia sẻ: “Ở thời điểm này khi có lệnh phong tỏa, tôi kiếm được 500 euro/tháng. Một đơn giao hàng vào buổi chiều là 6 euro nhưng đến tối có thể chỉ còn 3 euro. Bạn không thể kiếm sống với nghề này được, trừ khi bạn sẵn sàng làm việc như một nô lệ”. Gần đây, Inal đã gia nhập hiệp hội những người giao hàng để lên tiếng yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc.

Deliveroo là dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến. Ảnh: hartlepoolmail

Khi bắt đầu làm việc cho ứng dụng đặt xe trực tuyến Lyft cách đây 3 năm, cô Erica Mighetto người Mỹ đã rất yêu thích công việc. Người phụ nữ sống tại Sacramento này thường lái xe hơn một tiếng đồng hồ để đến San Francisco vào cuối tuần nhằm đón đưa khách hàng Lyft bởi nhu cầu ở khu vực này cao hơn.

Năm 2017, cô có thể kiếm 60-80 USD/tuần nhưng đến đầu năm nay con số này chỉ còn là 20 USD và đến tháng 3 là chưa đầy 10 USD. Để có thêm nhiều cuộc đặt xe, các tài xế của ứng dụng này chấp nhận giảm mức phí.

Mùa Xuân năm nay, cô Erica Mighetto từ bỏ lái cho Lyft bởi lo ngại mắc COVID-19 và nhận trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần từ hỗ trợ của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, trợ cấp này hết hiệu lực sau 4 tháng.

Cô Mighetto không đồng tình với một cuộc khảo sát ý kiến tại California để đảo ngược luật tiểu bang vốn buộc các công ty của “nền kinh tế gig” công nhận lái xe của họ là nhân viên và trả lương tối thiểu, trợ cấp phúc lợi. Cử tri California đã ủng hộ biện pháp này với kết quả 58%.

Amal Fahmi (24 tuổi) dán chặt mắt vào màn hình điện thoại đang mở ứng dụng Grab. Anh là một trong nhiều người làm công việc vận chuyển bằng xe máy ở khu ngoại ô Kuala Lumpur. Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, Fahmi là người lái xe cho Grab ở Johor, miền Nam Malaysia.

Amal bộc bạch: “Khi dịch COVID-19 xảy ra, cuộc sống trở nên khó khăn hơn, nhiều người mất việc làm và thu nhập của tôi thì giảm. Tôi không đủ bằng cấp do vậy chẳng có nhiều cơ hội việc làm ở quê nhà”. Những ngày gần đây, anh chỉ thu về 27 USD sau 14 tiếng đồng hồ làm việc cật lực. Amal cũng muốn có một công việc ổn định nhưng anh không hề tiếc nuối về con đường đã chọn. “Động lực là tôi có thể quản lý thời gian đồng thời không có ai chỉ đạo tôi cả”, Amal nói.

Hà Linh/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/the-gioi/nguoi-lao-dong-thoi-vu-lo-lang-ve-thu-nhap-20201228172701405.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu