Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 03:44 (GMT +7)
Nguy cơ châu Âu tái bùng phát dịch COVID-19 vì người dân đi tránh nóng
Thứ 5, 25/06/2020 | 15:07:00 [GMT +7] A A
Nắng nóng đầu mùa hè và tâm lý “xả hơi” sau thời gian dài bị gò bó trong lệnh phong tỏa chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến người dân châu Âu ngày 24/6 đổ xô đến các công viên xanh mát, làm dấy lên lo ngại về khả năng đại dịch COVID-19 tái bùng phát khi người dân bỏ qua các quy định giãn cách xã hội.
Người dân sưởi nắng tại một công viên ở Amsterdam, Hà Lan ngày 27/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan Khí tượng châu Âu cảnh báo một khối áp cao gây ra một đợt nóng gay gắt từ miền Nam lên phía Bắc châu lục, với nhiệt độ cao nhất ở một số vùng thuộc Tây Ban Nha có thể lên tới 38 độ C. Ở Bỉ, Estonia, Phần Lan, Latvia, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Điển, nắng nóng đỡ gay gắt hơn nhưng vẫn nằm trong mức nguy hiểm. Tuy nhiên, đợt nóng này chỉ kéo dài đến cuối tuần.
Giữa thời tiết nắng nóng, người dân châu Âu tụ tập đông ở các bãi biển, công viên và bờ sông mà không đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách an toàn từ 1 đến 2 m.
Tại Anh, nơi nhiệt độ dự báo sẽ tiệm cận mức kỷ lục 35,6 độ C ghi nhận hồi tháng 6/1976, các quan chức y tế đã bày tỏ lo ngại về tình hình người dân không chấp hành giãn cách xã hội. Các nhân viên y tế cũng không khỏi lo lắng cho những người cao tuổi phải cách ly chống dịch tại nhà trong thời tiết nắng nóng và việc phát hiện những trường hợp cần trợ giúp trở nên khó khăn hơn.
Tại Pháp, cơ quan thời tiết dự báo nền nhiệt trên 30 độ C tại hầu hết các vùng trên cả nước, nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 36 độ C ở vùng Tây Nam. Tại quốc gia châu Âu này, nhiệt độ thường dao động ở khoảng 30 độ C trong thời kỳ đỉnh điểm mùa hè, rơi vào khoảng tháng 8, do đó việc nhiệt độ tăng cao ngay từ đầu mùa làm gia tăng lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu.
Trong một thông cáo, tổ chức phi chính phủ CARE nhấn mạnh trong vài năm trở lại đây, thế giới đã phải đón nắng nóng đến sớm hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Đáng chú ý, cách đây vài ngày đã có nơi ở phía Bắc vòng Bắc Cực ghi nhận nhiệt độ 38 độ C, và tần suất nhiệt độ tăng cao như vậy có thể tăng gấp đôi cho đến năm 2050. CARE cảnh báo loài người sẽ phải làm quen với mùa hè dài hơn và nóng hơn, nguy hại hơn đối với tính mạng con người.
Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết đang xác minh thông tin nhiệt độ ở Siberia tăng cao kỷ lục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với ánh nắng hoặc nhiệt độ trên 25 độ C, vì chưa có bằng chứng chứng minh ánh nắng hay nhiệt độ cao có thể phòng ngừa hay chữa khỏi COVID-19, trong khi phơi nắng quá độ làm tăng nguy cơ cháy nắng và bệnh tim mạch.
Hồng Hạnh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/nguy-co-chau-au-tai-bung-phat-dich-covid19-vi-nguoi-dan-di-tranh-nong-20200625134512331.htm
Ý kiến ()