Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 06:09 (GMT +7)
Nguyên nhân khiến Mỹ đang trở thành Italy mới trong đại dịch COVID-19
Thứ 4, 24/06/2020 | 08:40:00 [GMT +7] A A
Trong khi Mỹ mở cửa trở lại và chứng kiến số ca lây nhiễm COVID-19 tăng vọt thì các quốc gia châu Âu vẫn duy trì biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và kéo giảm số ca bệnh.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 9/4.
Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Politico, cách đây ba tháng, giới chức y tế sợ Mỹ sẽ bị đại dịch nhấn chìm như Italy. Giờ đây, nếu được ví với Italy, Mỹ hẳn sẽ cảm thấy may mắn. Italy đang kiểm soát dịch tốt, chỉ có 221 ca mắc trong ngày 22/6, trong khi Mỹ có tới 31.496 ca.
Italy đã mở cửa nhà hàng và cửa hiệu cách đây một tháng và áp dụng các biện pháp an toàn mới trên toàn quốc. Còn ở Mỹ, nỗ lực mở cửa trở lại không thống nhất và vội vàng, khiến số ca lây nhiễm mới tăng vọt.
Dịch bệnh ở Italy đã giảm mạnh từ đỉnh dịch giữa tháng ba, còn số ca mắc mới tính theo đầu người ở Mỹ vẫn ngang với số liệu giai đoạn tệ nhất ở Italy. Thậm chí, có dấu hiệu các ca mới còn tăng nữa khi các bệnh viện ghi nhận bệnh nhân nhập viện cao kỷ lục ở Arizona, Florida và Texas trong tuần trước.
Bà Ashish Jha, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Harvard, lưu ý rằng sẽ có những bang ở Mỹ mà dịch nghiêm trọng tương đương Italy thời đỉnh dịch.
Italy không phải là nước duy nhất đưa dịch bệnh về mức có thể kiểm soát được. Các nước như Tây Ban Nha và Pháp từng chật vật với đại dịch khiến hàng chục nghìn người chết và phải phong tỏa toàn quốc nay chỉ có số ca mới dưới 500. Đức đã thành công trong giảm tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh nhờ chiến lược xét nghiệm và truy vết người tiếp xúc mạnh mẽ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp ở Washington, DC ngày 18/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Tình hình dịch bệnh thuyên giảm ở các nước châu Âu đối lập hẳn với tình trạng lộn xộn ở nhiều nơi tại Mỹ – nước có số ca tử vong vượt 122.000.
Bà Jha và các chuyên gia y tế cho rằng cách tiếp cận không thống nhất và chính trị hóa trong chống dịch bệnh đã khiến nước Mỹ thua xa Tây Âu trong cuộc chiến này.
Sau khi số ca mắc tăng vọt những ngày đầu, tổng số ca nhiễm hàng ngày ở các nước Liên minh châu Âu nói trên giờ chỉ bằng 1/8 số ca hàng ngày ở Mỹ.
Có nhiều yếu tố khiến Mỹ kiểm soát dịch bệnh kém Tây Âu. Trước tiên là việc chính trị hóa nghiêm trọng dịch bệnh đã cản trở nỗ lực phản ứng chống dịch quy củ. Thứ hai là chính phủ liên bang để từng bang tự quyết định thời gian mở cửa trở lại. Một số bang đã chấm dứt phong tỏa càng sớm càng tốt khi mà số ca lây nhiễm còn cao hơn đáng kể khi khi các nước Tây Âu mở cửa.
Tổng thống Donald Trump và một số thống đốc bang thuộc đảng Cộng hòa đã tức giận với lời khuyên của các chuyên gia y tế, hoài nghi các dự báo về virus lây lan và bỏ qua các khuyến cáo về phong tỏa. Bang Georgia và Texas mở cửa lại nền kinh tế cho dù các chuyên gia y tế đề nghị chờ xét nghiệm thêm và số ca giảm.
Các đồng minh của Tổng thống Trump đã khuyến khích dùng thuốc chữa sốt rét để trị COVID-19 cho dù ít bằng chứng về hiệu quả, dẫn tới nỗ lực vô ích và tốn thời gian lẽ ra nên dành để theo đuổi các liệu pháp khác.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở hạt Montgomery, bang Maryland, Mỹ ngày 17/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, đảng Dân chủ lại không chỉ trích hàng trăm nghìn người vi phạm quy định phòng chống dịch để kéo ra đường biểu tình. Thay vào đó, các thống đốc bang New Jersey và Michigan còn bỏ lệnh phong tỏa để xuống đường cùng người biểu tình.
Ngay cả những biện pháp bảo vệ cơ bản cũng bị chính trị hóa ở Mỹ. Tổng thống Trump đã không đeo khẩu trang nơi công cộng và thỉnh thoảng còn chế giễu người khác vì đeo khẩu trang. Trong khi đó, có yêu cầu đeo khẩu trang ở một số bang và có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy khẩu trang có tác dụng ngăn ngừa virus lây lan.
Còn ở Italy, khuyến nghị của các nhà khoa học không gây bất đồng như vậy và biện pháp phong tỏa cũng nghiêm ngặt hơn ở Mỹ. Mặc dù có người phản đối phong tỏa nhưng đa số người dân đều tuân thủ biện pháp phòng dịch. Dù vậy, Italy vẫn không tránh khỏi hậu quả kinh hoàng đầu mùa xuân khi số người chết tăng vọt, khiến các bác sĩ coi đây là khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử Italy sau Thế chiến II.
Tuy nhiên, lãnh đạo chính trị ở Italy phần lớn nhận thấy nhu cầu cần thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân và giám sát lẫn nhau. Thủ tướng Giuseppe Conte thường đeo khẩu trang nơi công cộng và khi bỏ khẩu trang để phát biểu trong quốc hội, ông đã bị các nghị sĩ phản đối.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo ông Raffaella Sadun, Giáo sư Harvard cố vấn cho Thủ tướng Italy về dịch bệnh, điểm khác nhau chủ yếu giữa Mỹ và Italy là người Italy nghiêm túc cách ly, phối hợp với mệnh lệnh trung ương và tuân thủ hướng dẫn.
Ở Mỹ, cấp dưới của Tổng thống Trump gặp khó khăn khi thuyết phục ông thực hiện biện pháp cần thiết chống dịch suốt tháng 2 và 3. Khi nhận thấy mức độ nghiêm trọng, chính quyền liên bang cũng để các bang tự quyết định.
Trong khi đó, ở Italy, đất nước bị chia rẽ đảng phái nghiêm trọng, giới lãnh đạo lại có thể nhanh chóng hình thành kế hoạch tập trung hóa để thống đốc các khu vực tuân thủ. Các nghị sĩ Đức cũng trao cho chính phủ liên bang quyền khẩn cấp để áp đặt biện pháp y tế khắp 16 bang. Phối hợp và quyết định kịp thời đã mang lại lợi ích cho các nước Tây Âu trong chống dịch.
Nếu Mỹ chờ thêm vài tuần nữa mới bỏ phong tỏa hoặc áp đặp phong tỏa sớm ngay từ đầu thì số ca mắc đã giảm xuống rất nhiều. Chỉ cần chậm phong tỏa một tuần thì số ca mắc đã tăng 50%.
Một số giáo sư y tế công cộng cho biết họ đã đưa Mỹ vào làm ví dụ về bài học trong thất bại chống dịch khi giảng cho sinh viên.
Theo các chuyên gia Italy, đây là bài học cho Mỹ: Chiến lược duy nhất để chống COVID-19 khi chưa có vaccine và biện pháp chữa trị cụ thể là cách ly xã hội và đeo khẩu trang.
Thùy Dương/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nguyen-nhan-khien-my-dang-tro-thanh-italy-moi-trong-dai-dich-covid19-20200623170626060.htm
Ý kiến ()