Reuters dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Tokyo sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc không được gây leo thang căng thẳng trên biển Hoa Đông và sẽ phản ứng bình tĩnh nhưng kiên quyết về những vụ vi phạm của tàu Trung Quốc.
Ông Suga nhấn mạnh, 14 tàu của Chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản trên biển Hoa Đông và Chính phủ Nhật Bản hoàn toàn có quyền bắt giữ những tàu này vì hành vi xâm phạm trái phép.
Cũng theo ông Suga, đến sáng ngày 8/8, 12 tàu Trung Quốc vẫn ở trong khu vực nói trên và chưa chịu rời đi. Ông Suga khẳng định, các cơ quan chức năng của Nhật Bản, trong đó có lực lượng tuần duyên nước này sẽ hợp tác chặt chẽ để xử lý những tàu vi phạm nói trên.
Các hoạt động trái phép của tàu Trung Quốc gần khu vực đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã gia tăng nhanh chóng kể từ ngày 5/8, khiến Nhật Bản chỉ trong ngày 7/8 đã 3 lần lên tiếng phản đối.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, không chỉ có các tàu của Chính phủ Trung Quốc, trong ngày 6/8, có khoảng 230 tàu cá của Trung Quốc cũng có mặt trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản.
Những vụ căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng gia tăng sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông trong đó bác cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với yêu sách “đường 9 đoạn” bao trùm hầu khắp Biển Đông của Trung Quốc.
Trong khi Trung Quốc tuyên bố từ chối công nhận tính hợp pháp của phán quyết nói trên thì Nhật Bản lại lên tiếng kêu gọi Trung Quốc cần tuân thủ phán quyết đó vì phán quyết này có tính ràng buộc pháp lý với các bên liên quan. Đáp lại, Trung Quốc ngang nhiên cảnh báo Nhật Bản “đừng can dự vào việc này”.
Trước đó, ngày 6/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lại nhắc lại giọng điệu “quen thuộc” rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thế chối cãi được đối với các đảo và vùng biển xung quanh” [trên thực tế Trung Quốc không hề cung cấp được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào để bảo vệ quan điểm của mình-ND].
Trung Quốc cũng quay sang tố ngược lại Nhật Bản với tuyên bố rằng tân Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada đã “xuyên tạc lịch sử một cách nguy hiểm” khi từ chối lên tiếng về việc liệu binh sĩ Nhật Bản có thảm sát thường dân Trung Quốc trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 hay không.
Thay vì thế, bà Inada lại nhắc lại những tuyên bố của ông Suga và cảnh báo, quân đội Nhật Bản sẽ tiến hành tuần tra trên không để cung cấp thông tin chi tiết về các vụ vi phạm của Trung Quốc cho lực lượng tuần duyên Nhật Bản./.
Ý kiến ()