Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 16:39 (GMT +7)
Nhật Bản kẹt giữa mâu thuẫn Mỹ-Trung
Thứ 4, 03/06/2020 | 09:04:00 [GMT +7] A A
Năm 2020 được kỳ vọng đổi thay mối quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc nhưng thực tế lại ảm đạm bởi đối đầu Washington-Bắc Kinh khiến Thủ tướng Shinzo Abe đứng giữa một bên là đối tác thương mại lớn nhất trong khi bên còn lại là đồng minh quân sự lâu năm.
Thủ tướng Nhật Bản Minister Shinzo Abe ngồi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một sự kiện. Ảnh: AFP
Theo đúng kế hoạch, Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản trong tháng 5. Tuy nhiên, sự kiện được cả Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình coi là mốc đánh dấu “thời kỳ mới” trong quan hệ hai quốc gia đã bị hoãn lại do dịch COVID-19. Tương lai của chuyến thăm này cũng chưa rõ ràng.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết ở thời điểm này, Mỹ và Trung Quốc đang có nhiều mâu thuẫn liên quan đến dịch COVID-19 và vấn đề Hong Kong. Căng thẳng giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản diễn ra ở thời điểm Thủ tướng Abe cố gắng hồi sinh kinh tế nước này sau khi chịu tác động vì COVID-19.
Trong tháng 2, khi dịch COVID-19 hoành hành Trung Quốc, Nhật Bản đã có những động thái khiến Bắc Kinh đánh giá cao, giúp gắn kết mối quan hệ giữa hai quốc gia. Nhiều thành phố Nhật Bản còn ủng hộ khẩu trang và quần áo bảo hộ cho thành phố kết nghĩa tại Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khi đó cho biết bà “vô cùng cảm động” trước sự ủng hộ của Nhật Bản kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và việc Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia về Hong Kong đã khiến nhiều chính khách trong đảng cầm quyền và đảng đối lập tại Nhật Bản băn khoăn liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có tiến hành chuyến thăm đến Tokyo hay không.
Điều này sẽ tác động không hề nhỏ đến Thủ tướng Abe, vốn đã dành nhiều thời gian để hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh qua việc khôi phục các chuyến thăm chính thức và mở cửa đối với du khách Trung Quốc.
Đến nay, mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn mạnh mẽ bất chấp vấn đề kinh tế. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, đầu tư nước ngoài trực tiếp của nước này vào Trung Quốc đã tăng 37% trong khoảng thời gian từ 2016-2019.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng quan tâm có thể tác động đến mối quan hệ này. Trong tháng 5, Nhật Bản ra mắt gói kích thích kinh tế 2,2 tỷ USD để giúp các nhà sản xuất muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đến tháng 6 này, Nhật Bản dự kiến áp dụng luật mới hạn chế đầu tư nước ngoài vào những công ty “nòng cốt trong an ninh quốc gia”.
Theo NHK, Nhật Bản sẽ đề nghị các doanh nghiệp có xử lý thông tin của người dân cân nhắc khi mua thiết bị viễn thông nước ngoài. Biện pháp này được cho nhằm đến tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei. Tổng thống Trump đã khuyến khích các đồng minh đóng cửa với Huawei vì nghi ngờ công ty này có liên quan đến gián điệp. Huawei nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Ông Bonji Ohara tại Quỹ Hòa bình Sasakawa (Nhật Bản) đánh giá: “Nhật Bản luôn cảnh giác Trung Quốc. Nếu Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, Nhật Bản sẽ có thêm động thái”.
Trong thời gian gần đây, Thủ tướng Abe đã đứng về phía Tổng thống Trump và điều này có thể gây rủi ro trong quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh. Khi Tổng thống Trump đề cập đến “động thái mạnh mẽ” với Trung Quốc liên quan đến vấn đề của Đặc khu hành chính Hong Kong, Tokyo cũng thể hiện lo ngại và đề nghị đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản truyền tải thông điệp này trực tiếp.
Trước đó, Thủ tướng Abe dường như đã đứng về phía Tổng thống Trump khi nói với các phóng viên rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ Trung Quốc và lây lan đến nhiều quốc gia khác. Phía Trung Quốc đã bác bỏ và nói rằng nguồn gốc của SARS-CoV-2 chưa rõ ràng và cần được điều tra bằng khoa học.
https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-ket-giua-mau-thuan-mytrung-20200602224918928.htm
Ý kiến ()