Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 25/01/2025 00:40 (GMT +7)
Nhật Bản lo ngại làn sóng tự tử sau dịch COVID-19
Thứ 7, 30/05/2020 | 10:12:00 [GMT +7] A A
Khi đại dịch COVID-19 đang lùi lại phía sau, lúc này giới chức Nhật Bản lo ngại cú sốc kinh tế do dịch bệnh có thể khiến đất nước quay trở lại thời kỳ 14 năm đen tối kể từ năm 1998, khi có tới hơn 30.000 người quyên sinh mỗi năm.
Tình nguyện viên xử lý cuộc gọi tại Tổng đài tư vấn ngăn tự tử Tokyo Befrienders, ngày 26/5/2020. Ảnh: Reuters
Các điện thoại tại đường dây nóng ngăn ngừa tự tử ở Tokyo đã đổ chuông liên tục ngay khi vừa bắt đầu vào ca tư vấn đêm, một lần mỗi tuần. Tiếng chuông không bao giờ dừng lại cho đến khi các tình nguyện viên tiếp nhận cuộc gọi dừng ca tư vấn vào sáng sớm hôm sau.
Hiện tại, do các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 lây lan, cả số ngày hoạt động lẫn số lượng tình nguyện viên tại trung đường dây nóng tự tử Tokyo Befrienders đều được cắt giảm, nhưng nhu cầu của người dân về vấn đề tự tử thì vẫn còn nguyên.
Nguy cơ trở lại thời kỳ “đen tối”
“Có rất nhiều người muốn kết nối và trò chuyện, nhưng thực sự là chúng tôi không thể trả lời hết”, Giám đốc Tokyo Befrienders, bà Machiko Nakayama nói với Reuters
Khi đại dịch COVID-19 đang lùi lại phía sau, lúc này các nhân viên y tế lo ngại cú sốc kinh tế do dịch bệnh có thể khiến nước Nhật quay trở lại thời kỳ 14 năm đen tối kể từ năm 1998, khi có tới hơn 30.000 người quyên sinh mỗi năm. Là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước G7 (Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển), Nhật Bản đã áp dụng nhiều thay đổi về pháp lý và doanh nghiệp để giúp giảm tình trạng tự tử xuống còn trên 20.000 vụ trong năm 2019.
Trước nguy cơ cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ đảo ngược kết quả này, các ngành chức năng đang kêu gọi chính phủ tăng cường cả hỗ trợ về tài chính lẫn đời sống cho người lao động nhằm giảm bớt những áp lực có thể đẩy họ đến cơn tuyệt vọng.
Đại dịch COVID-19 sẽ để lại những khó khăn kinh tế ghê gớm tại Nhật Bản. Ảnh: Japan News
“Chúng ta cần tiến hành các biện pháp, trước khi nạn tự tử lại bắt đầu”, ông Hisao Sato, lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ chuyên tư vấn về kinh tế tại Akita, tỉnh miền Bắc Nhật Bản nổi tiếng với tỉ lệ tự tử cao, phát biểu.
Tỉ lệ tử tử trên toàn nước Nhật đã giảm 20%/năm, tính đến tháng 4 vừa qua, tức tháng đầu tiên Nhật Bản thực hiện nới lỏng phong tỏa. Tuy nhiên các chuyên gia lại lưu ý tới một hiện tượng đã được thế giới công nhận, đó là số vụ tự tử thường giảm trong thời kỳ khủng hoảng và tăng lên sau đó.
“Đó là khoảng lặng trước cơn bão, nhưng lúc này mây đã ở trên đầu chúng ta”, ông Sato cảnh báo.
Nhân viên tư vấn đang đang trò chuyện với người gọi đến tổng đài ngăn ngừa tự tử Tokyo Befrienders.
Ảnh: Reuters
Các nhân viên tổng đài Tokyo Befrienders đều không thể quên được năm “đen tối” 1998 khi chính sách tăng thuế doanh thu và cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á đã dẫn đến làn sóng tự tử làm trên 30.000 người chết mỗi năm, sau đó lên tới đỉnh điểm là gần 34.500 ca tự tử vào năm 2003.
Tự tử vì lý do kinh tế
Khó khăn kinh tế là nguyên nhân lớn thứ hai của các vụ tự tử, sau lý do sức khỏe – theo dữ liệu của cảnh sát Nhật Bản năm 2019. Dữ liệu cũng cho thấy đàn ông có khả năng tự sát cao gấp gần 3 lần so với phụ nữ và hầu hết ở độ tuổi 40-60.
Cuộc khủng hoảng hiện nay được dự báo sẽ khiến nền kinh tế Nhật Bản sụt giảm tới 22,2% trong quý 2 này, và đặc biệt nguy hiểm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn thiếu tiền mặt, trong khi chưa tiếp cận kịp trợ cấp của chính phủ.
“Thật khó khăn. Rất nhiều người thực sự lo lắng. Giống như chờ đợi một cuộc hành quyết để xem họ có sống sót nổi hay không”, ông Shinnosuke Hirose, Giám đốc điều hành một công ty nhân sự nhỏ đã ngừng gần 90% hoạt động kinh doanh, bày tỏ.
Người Nhật thực hiện giãn cách xã hội khi đi mua thực phẩm ngày 14/5/2020. Ảnh: AP
Một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản phụ trách chính sách ngăn ngừa tự tử phát biểu với Reuters rằng bộ phận của ông đã lên kế hoạch xin thêm tiền từ gói kích thích trị giá 1,1 nghìn tỉ USD của chính phủ để giúp tài trợ cho các biện pháp ngăn ngừa, chẳng hạn như mở thêm đường dây nóng.
Đơn vị Nghiên cứu Khả năng phục hồi (RRU) của Đại học Kyoto đã dự đoán sẽ có thêm 2.4000 vụ tự tử nếu tỉ lệ thất nghiệp tăng thêm 1%. Nếu trợ cấp dịch COVID-19 giảm xuống trong vòng một năm, tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật có thể lên tới đỉnh là khoảng 6% vào tháng 3/2021, nâng số ca tự tử lên khoảng 34.000 vụ/năm. Nếu tình hình khó khăn do đại dịch tiếp tục kéo dài trong 2 năm, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 8% vào tháng 3/2022, thì các vụ tự tử có thể tăng vọt lên trên 39.000 vụ/năm.
“Tất nhiên, hỗ trợ xã hội rất quan trọng, nhưng cũng không thể giúp khắc phục ngay. Trong khi đó, việc ngăn chặn phá sản sẽ giúp được lập tức”, Giám đốc RRU, ông Satoshi Fujii nêu vấn đề.
Tại tổng đài Tokyo Befrienders, điện thoại tiếp tục đổ chuông. Dịch vụ tư vấn hằng đêm trước đây giờ chỉ mở vào thứ Ba, với chỉ một tình nguyện viên xử lý cuộc gọi thay vì 4 người, mặc dù trung tâm có kế hoạch khôi phục thêm ca tư vấn vào tháng 6.
“Mọi người đã cố gắng hết sức để vượt qua giai đoạn phong tỏa, nhưng bây giờ họ sẽ nhìn lại và nghĩ, ‘tại sao mình lại làm vậy? Mình có thể hy vọng gì?. Lúc đó tôi nghĩ nhiều người có thể chọn cái chết”, Giám đốc Tokyo Befrienders, Nakayama cảnh báo.
https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-lo-ngai-lan-song-tu-tu-sau-dich-covid19-20200529153505856.htm
Ý kiến ()