Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 25/01/2025 07:56 (GMT +7)
Nhật Bản, Singapore cân nhắc các bước dỡ bỏ phong tỏa
Thứ 4, 20/05/2020 | 16:02:00 [GMT +7] A A
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại 3 tỉnh thuộc khu vực Kansai vào ngày 21/5.
Quang cảnh đường phố tại Tokyo, Nhật Bản ngày 14/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết tình hình dịch bệnh ở khu vực Kansai đã tạm ổn, do đó Chính phủ đang cân nhắc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở 3 tỉnh tại khu vực này nếu không xuất hiện các ổ dịch mới.
Một trong những tiêu chí quan trọng mà Chính phủ Nhật Bản đưa ra để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở địa phương là tỷ lệ số ca nhiễm mới trên 100.000 dân giữ ở mức tối đa 0,5 trong 7 ngày liên tiếp. Cho đến thời điểm này, 3 tỉnh ở khu vực Kansai gồm Osaka, Kyoto và Hyogo đã đáp ứng tiêu chí này.
Trong khi đó, thủ đô Tokyo và tỉnh lân cận Kanagawa vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí trên dù số ca nhiễm mới đang giảm. Ngày 19/5, Tokyo chỉ ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp số ca nhiễm mới ở thành phố này dưới 30 ca. Chính phủ Nhật Bản sẽ theo dõi tình hình lây nhiễm và hiện trạng của hệ thống y tế trước khi đưa ra quyết định cuối cùng có dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thành phố này hay không.
Riêng đối với tỉnh Hokkaido, Chính phủ Nhật Bản đang theo dõi một cách thận trọng tình hình dịch bệnh ở tỉnh cực Bắc này, nơi vẫn phát hiện một số ca nhiễm mới.
Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ đưa ra quyết định cuối cùng tại cuộc họp của Nhóm đặc trách về ứng phó với dịch COVID-19 vào ngày 21/5 sau khi tham vấn nhóm chuyên gia y tế cố vấn.
Trước đó, ngày 14/5, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 39 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở nước này. Tính đến ngày 19/5, Nhật Bản đã ghi nhận trên 16.300 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có trên 770 ca tử vong.
* Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó với dịch COVID-19 đang được áp dụng tại nước này sẽ chính thức kết thúc vào ngày 1/6 và “đảo quốc sư tử” sẽ dần khởi động lại nền kinh tế theo 3 giai đoạn trong vài tháng sau đó.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại siêu thị ở Singapore ngày 3/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 2/6, Singapore sẽ thực hiện giai đoạn 1 một cách hết sức thận trọng, theo đó nhiều hạn chế vẫn sẽ được tiếp tục áp dụng như hiện nay. Giai đoạn này được cho là sẽ kéo dài ít nhất 4 tuần. Nếu tình hình diễn biến thuận lợi sẽ triển khai giai đoạn chuyển tiếp thứ hai, có thể kéo dài trong vài tháng. Các biện pháp kiểm soát sẽ được nới lỏng trong giai đoạn 3 dưới trạng thái “bình thường mới” cho tới khi có vaccine phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Bộ trưởng Công Thương Singapore Chan Chun Sing cho biết trong giai đoạn 1 được xác định là “mở cửa trở lại an toàn”, khoảng 1/3 số lao động của nước này sẽ được quay trở lại làm việc, số còn lại sẽ tiếp tục làm việc tại nhà, theo đó đảm bảo khoảng 3/4 nền kinh tế Singapore nối lại các hoạt động bình thường. Những lĩnh vực và doanh nghiệp chủ chốt có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn sẽ được ưu tiên.
Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng tiếp tục đóng cửa. Trường học sẽ được mở cửa dần vào tháng 6, một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe và một số nơi thờ tự tín ngưỡng cá nhân sẽ được hoạt động trở lại. Các hoạt động tập hợp xã hội vẫn bị cấm, ngoại trừ việc thăm viếng người thân nhưng cũng chỉ giới hạn trong một ngày và tối đa 2 người sống trong cùng một nhà.
Nếu tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức thấp và ổn định, đồng thời tình hình ở các khu lao động nước ngoài vẫn trong tầm kiểm soát, Singapore sẽ chuyển sang giai đoạn 2 “chuyển tiếp an toàn”.
Trong giai đoạn này, người dân có thể tiến hành nhiều hoạt động xã hội hơn. Nhiều doanh nghiệp hơn sẽ được phép mở cửa trở lại, trong đó có các cửa hàng bán lẻ, các trung tâm bồi dưỡng giáo dục… Giai đoạn này có thể kéo dài vài tháng.
Nếu giai đoạn 2 diễn ra thuận lợi, Singapore sẽ bước vào giai đoạn trạng thái bình thường mới được gọi là “quốc gia an toàn”, theo đó hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng sẽ được nối lại, tuy nhiên sẽ giới hạn về quy mô, người tham gia các phương tiện công cộng vẫn phải đeo khẩu trang. Singapore cũng sẽ mở cửa dần biên giới đối với việc đi lại thiết yếu. Tuy nhiên, điều này sẽ được thực hiện tách biệt với 3 giai đoạn khởi động lại nền kinh tế.
Các ca nhiễm mới có thể tăng lên khi các hoạt động được nối lại. Vì vậy, các biện pháp nghiêm ngặt hơn có thể được áp đặt trở lại vào bất kỳ thời điểm nào nếu tình hình trở nên xấu đi.
Tính đến hết ngày 19/5, Singapore đã ghi nhận 28.794 ca mắc COVID-19, trong đó có 10.365 bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện, 22 ca tử vong.
https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-singapore-can-nhac-cac-buoc-do-bo-phong-toa-20200520125846236.htm
Ý kiến ()