Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 07:04 (GMT +7)
Nhật Bản tính lập cơ quan đàm phán sau khi Mỹ rút TPP
Thứ 4, 25/01/2017 | 15:53:00 [GMT +7] A A
Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch thành lập một cơ quan liên bộ mới nhằm giải quyết tất cả các cuộc thương thuyết thương mại tự do sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong họp báo ngày 23/1. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Nguồn tin cho hay cơ quan mới sẽ phụ trách tiếp tục đối thoại về TPP cũng như một thỏa thuận quan hệ đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Nhật Bản cũng là một bên tham gia đàm phán thiết lập Mối quan hệ đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, một thỏa thuận đa quốc gia châu Á-Thái Bình Dương do Trung Quốc đứng đầu.
Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda cùng ngày cho hay: “Chúng tôi vẫn chưa quyết định sáp nhập các đơn vị nêu trên hay tạo ra một cơ quan mới vào thời điểm này, nhưng không phủ nhận rằng đây là một trong những lựa chọn mà chúng tôi đang xem xét.
Trước đó, trong ngày làm việc chính thức đầu tiên tại Phòng Bầu dục hôm 23/1, tân Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi TPP, qua đó hiện thực hóa cam kết được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.
Tổng thống Trump cho rằng TPP, hiệp định có sự tham gia của Mỹ và 11 đối tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, gây phương hại cho khu vực sản xuất của Mỹ và lấy mất công ăn việc làm của người dân nước này.
Tuy nhiên, nhiều nước thành viên TPP đã khẳng định tiếp tục đưa hiệp định này đến đích cuối cùng. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) mới đây ở thủ đô Lima của Peru, các nước cũng đã thảo luận về việc thúc đẩy một TPP không có sự tham gia của Mỹ.
Là hiệp định thương mại lớn nhất trong 20 năm, TPP theo kế hoạch ban đầu sẽ có sự tham gia của Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai ủng hộ TPP để đưa hàng hóa Mỹ thâm nhập các thị trường châu Á và tạo ra khối thương mại đối trọng với Trung Quốc.
Ý kiến ()