Chủ Nhật, 19/01/2025 10:39 (GMT +7)

Nhiều nước Hồi giáo phản đối sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Trump

Thứ 5, 09/03/2017 | 16:00:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Nhiều nước Hồi giáo đã lên tiếng phản đối sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump và kêu gọi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh.

Iran cho biết sẽ tiếp tục cấm công dân Mỹ nhập cảnh Iran để trả đũa sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào các nước có người Hồi giáo chiếm đa số. Bộ Ngoại giao Iran lên án sắc lệnh mới của Mỹ là “trái pháp luật, phi logic và đi ngược lại với các quy định quốc tế”.

nhieu nuoc hoi giao phan doi sac lenh nhap cu moi cua tong thong trump hinh 1
Sắc lệnh cấm nhập cư mới của ông Trump đang bị các nước Hồi giáo lên án gay gắt. Ảnh: AP

Tân Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed cũng lên tiếng chỉ trích và kêu gọi dỡ bỏ sắc lệnh này. Ông Mohamed- người mang quốc tịch Mỹ và Somalia, đồng thời có nhiều năm sống tại Mỹ- thừa nhận các thách thức an ninh của Somalia và cho biết Chính phủ mới sẽ giải quyết gốc rễ vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Mohamed nhấn mạnh rằng, cộng đồng người Somalia tại Mỹ đã đóng góp cho nền kinh tế Mỹ và xã hội Mỹ theo nhiều cách khác nhau, vì vậy cần nhìn nhận vào những gì người Somalia đã đóng góp thay vì chỉ nhìn thấy một số ít người gây ra vấn đề.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Sudan cũng phản đối sắc lệnh nhập cư sửa đổi nêu trên. Trong một tuyên bố, bộ trên một lần nữa bày tỏ thất vọng vì sắc lệnh sửa đổi được đưa ra bất chấp việc Sudan đang đàm phán với Mỹ về các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố trong khu vực và trên thế giới.

Ông Gharib Allah Khidir, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Sudan nói: “Chúng tôi bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về lệnh cấm nhập cảnh mới của Mỹ. Điều này trái ngược với quyết định của chính phủ Mỹ cách đây hai tháng, khi họ có kế hoạch giảm bớt các biện pháp trừng phát kinh tế với Sudan”.

Iraq cũng kêu gọi Mỹ hủy bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với các quốc gia Hồi giáo mặc dù Iraq đã được đưa ra khỏi danh sách. Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari nói: “Mỹ đã có một quyết định đúng đắn khi loại Iraq khỏi danh sách cấm nhập cảnh nhưng chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ bãi bỏ lệnh cấm đối với 6 quốc gia khác. Phẩm giá, chủ quyền của các người dân nước này cần phải được tôn trọng”.

Trong khi đó, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành sắc lệnh nhập cư mới, tiểu bang Hawaii của Mỹ đã khởi kiện sắc lệnh gây tranh cãi này. Trong đơn kiện gửi tòa án, các luật sư tiểu bang giải thích rằng đơn kiện của họ yêu cầu một thẩm phán liên bang sớm ban hành lệnh cấm tạm thời để ngăn chặn việc thực thi sắc lệnh mới.

Trước đó, ngày 6/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh nhập cư tạm thời mới, gần một tháng sau khi sắc lệnh nhập cư đầu tiên của ông bị các tòa án ngăn chặn. Sắc lệnh mới tiếp tục cấm tất cả người tị nạn nhập cảnh Mỹ trong vòng 120 ngày, đồng thời cấm nhập cảnh đối với công dân từ 6 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số (gồm Iran, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen) trong vòng 90 ngày.

Có hiệu lực từ ngày 16/3 tới, sắc lệnh mới không áp đặt hạn chế nhập cư đối với Iraq, 1 trong 7 quốc gia nằm trong “danh sách đen” cấm nhập cư của sắc lệnh trước đây. Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên.

Công dân 6 nước nêu trên nếu có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu Thẻ xanh) và những người hiện đang có thị thực hợp lệ cũng không bị ảnh hưởng. Tổng thống Donald Trump tuyên bố sắc lệnh nhập cư sửa đổi nhằm đảm bảo nước Mỹ và công dân Mỹ được an toàn hơn.

Sắc lệnh nhập cư đầu tiên mà ông Donald Trump ban hành ngày 27/1 vừa qua đã trở thành đối tượng của hơn 20 vụ kiện và bị “đóng băng” sau khi các tòa án liên bang Mỹ ra phán quyết tạm ngừng thực thi. Sự việc đã kéo theo một cuộc chiến pháp lý chưa có hồi kết. Sắc lệnh này cũng đã vấp phải sự phản đối lớn ở trong và ngoài nước Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, ít khả năng sắc lệnh mới gặp phải vấn đề pháp lý như trước vì đối tượng bị cấm đã được thu hẹp. Vì sắc lệnh mới không áp dụng với những cư dân hợp pháp hoặc những người đã có thị thực nhập cảnh, một số doanh nhân, nhà ngoại giao và một số loại khách du lịch nên những người phản đối sẽ mất nhiều thời gian hơn để tìm ra những người đang sống ở Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này./.

Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm TinTổng hợp

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu