Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 17:48 (GMT +7)
Nông dân điêu đứng vì cây tiêu chết hàng loạt
Thứ 6, 24/02/2017 | 15:41:00 [GMT +7] A A
Người trồng tiêu ở Phú Yên đang rất lo lắng vì từ đầu mùa mưa năm 2016 đến nay cây tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vườn tiêu trồng được 5 năm tuổi của gia đình anh Phan Văn Nhật ở thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh thuộc huyện miền núi Sông Hinh có 100 gốc đã thu bói vụ đầu tiên được 100 kg vào năm 2016. Thời điểm đó giá tiêu 150.000 đồng/kg, anh Nhật thu được 15 triệu đồng. Thấy thu nhập bước đầu cao, anh Nhật đã đầu tư phân bón, thuốc để tiêu sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, cuối năm 2016 trên địa bàn xã Sông Hinh liên tục có mưa lớn và kéo dài đến 4 tháng, nên 85 gốc tiêu bị chết; 15 gốc tiêu còn lại cũng đang chết dần.
Vườn tiêu của anh Phan Văn Nhật ở thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh, có 100 gốc nhưng 85 gốc đã bị chết.
Không chỉ vườn tiêu của gia đình anh Nhật, mà nhiều vườn tiêu khác ở xã Sông Hinh cũng bị như vậy. Vườn tiêu của anh Đỗ Văn Hoa được đầu tư khá bài bản với gần 600 gốc cũng đã thu bói vào năm ngoái được 1.000 kg; nhưng hiện nay có đến 500 gốc bị vàng lá hoặc đã chết. Anh Hoa buồn rầu nói: “Gia đình tôi đầu tư công sức, tiền của vào vườn tiêu này không biết bao nhiêu mà kể, nhưng bây giờ thì trắng tay rồi”.
Theo các hộ dân, việc đầu tư cho cây tiêu khá lớn. Từ khi trồng cho đến khi đưa vào kinh doanh mất 5 năm với chi phí mỗi gốc tiêu từ 500.000 – 600.000 đồng. Trung bình một ha trồng khoảng 1.600 gốc nên chi phí tốn ít nhất 800 triệu đồng.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh cho biết: “Trên địa bàn huyện có gần 180 ha tiêu, trồng chủ yếu ở xã Sông Hinh và xã Ea Ly. Từ đầu mùa mưa năm 2016 đến nay khoảng 30% diện tích tiêu đã phát bệnh và chết”.
Tương tự, ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa có 95 ha trong số 237 ha bị nhiễm bệnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, mực nước ngầm trong khu vực trồng tiêu dâng cao, khiến nhiều vườn tiêu bị ngập úng dài ngày, dẫn đến cây tiêu bị thối rễ, nhiều loại nấm xâm hại gây bệnh chết nhanh, chết chậm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, thống kê diện tích cây tiêu bị thiệt hại và hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân chủ động khai thông nước cho vườn tiêu. Đối với những cây tiêu đã chết, cần nhanh chóng thu dọn và tiêu hủy để hạn chế tối đa nấm bệnh tồn tại trong đất, ảnh hưởng đến vụ sau. Những cây tiêu còn sống có triệu chứng vàng lá nhẹ, bà con bổ sung bón phân lân dễ hòa tan để kích thích ra rễ mới; đồng thời sử dụng thuốc phòng trừ nấm gây bệnh chết nhanh chết chậm…
Bài & ảnh: Thế Lập (TTXVN)
Ý kiến ()