Tất cả chuyên mục

Tây Ninh là vùng đất giàu tiềm năng nông nghiệp, đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, tuần hoàn. Trong đó, mô hình nuôi cá lăng khép kín không xả thải ra môi trường của anh Võ Thanh Liêm (ngụ ấp Trảng Cỏ, xã Hưng Thuận, tỉnh Tây Ninh) là một điển hình tiêu biểu.
Bắt tay vào xây dựng mô hình từ năm 2020, yếu tố thuận lợi đầu tiên đối với anh Liêm đó chính là nguồn nước được cung cấp quanh năm từ kênh Đông. Từ nguồn nước này, anh sử dụng để nuôi các loại cá lăng như lăng nha, lăng hầm, lăng vàng, lăng thái, lăng hồng vỹ và chuyên cung cấp con giống cho nông dân.
Từ vài ao nuôi nhỏ ban đầu, đến nay, anh Liêm mở rộng mô hình với tổng diện tích 7ha, theo hướng nuôi - trồng xanh kết hợp du lịch sinh thái theo công nghệ tuần hoàn khép kín Aquaponics gồm: Cá lăng thương phẩm kết hợp với trùn chỉ làm thức ăn cho cá bột, cá cảnh và trồng rau móp.
Dự kiến, khi mô hình hoạt động hoàn chỉnh sẽ giúp giảm hệ số phát thải về mức “0”, góp phần hướng tới xây dựng mô hình đạt chuẩn bền vững theo mục tiêu cam kết của Chính phủ tại COP26.
Hằng năm, mô hình cho 50 đợt sinh sản với khoảng 1 triệu con cá bột giống/đợt (2 đợt cá bột/ tuần) tập trung vào 6 tháng mùa mưa. Cá bố mẹ được tuyển chọn cẩn thận về chất lượng con giống và độ thành thục của trứng để đưa vào quy trình cho sinh sản nhân tạo.
Trứng được vuốt và thụ tinh sẽ được ấp nở trong bồn inox có sục khí và nguồn nước cấp chảy nhẹ; sau khi trứng nở được 4 ngày sẽ tập ăn bằng trứng nước (được gây nuôi tự nhiên từ chính mô hình); đến 7 ngày thì sử dụng trùn chỉ; 9 ngày thì kết hợp trùn chỉ với thức ăn công nghiệp có độ đạm 40% trở lên để ương nuôi lên cá giống.
Anh Liêm cho biết: "Trung bình hằng năm, cá lăng nha, lăng hầm sản xuất khoảng 80 đến 100 triệu con cá bột. Hiện tại, do giá cá lăng nha trên thị trường đang giảm, nhu cầu mua cá bột cũng giảm nên mình đầu tư thêm cá lăng vàng, cá lăng thái. Vừa rồi cũng mới xuất được khoảng 4 triệu con cá bột."
Ngoài việc tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho lao động tại chỗ, mô hình nuôi cá lăng tuần hoàn khép kín của anh Liêm cũng đón các bạn sinh viên đến thực tập, trau dồi thêm kiến thức thực tế ngoài nhà trường.
Thông tin từ Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh, đây là một trong những trang trại đầu tư nông nghiệp khép kín một cách bài bản dựa trên sự tận dụng thế mạnh của điều kiện tự nhiên, giúp tiết kiệm chi phí, gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế thu được, đồng thời bảo đảm phát triển sản xuất theo hướng xanh và bền vững.
“Nếu nuôi mà tính toán kỹ, chăm sóc tốt, quản lý chặt yếu tố đầu vào thì người dân cũng có lời, dù là trong thời điểm giá rẻ. Áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín góp phần kiểm soát được dịch bệnh, không lạm dụng hóa chất, sản phẩm đạt chất lượng, sạch hơn. Từ đó, tâm lý người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm mà mình làm ra” - anh Liêm nói.
Mô hình nuôi cá lăng canh tác tuần hoàn của anh Võ Thanh Liêm khi lan tỏa sẽ giúp thay đổi tư duy, thói quen sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất sinh thái, tuần hoàn, giúp tạo thêm giá trị gia tăng cho nhiều hộ sản xuất, đồng thời bảo vệ môi trường bền vững trong thời gian tới./.
Ý kiến ()