Thứ Năm, 19/09/2024 08:16 (GMT +7)

Phát động phong trào hiến tặng mô, tạng: Khi sự sống được sẻ chia

Thứ 3, 27/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim trao kỷ niệm chương và thẻ bảo hiểm cho những người vì nghĩa cử hiến tặng mô.
(Ảnh: Quý Trung / TTXVN)

Tối 26/10, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Khi sự sống được sẻ chia” và Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tang.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sau 20 năm (kể từ khi Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên), đến nay bằng sự nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ y bác sỹ, các nhà khoa học, của cả hệ thống y tế và sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, ngành ghép tạng Việt Nam đã có những bước tiến dài.

Việt Nam đã có trang thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn kỹ thuật tương đương khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, nhờ sự cho đi không vụ lợi một phần cơ thể mình của những người hiến tạng mà đã có hàng ngàn cuộc đời được tái sinh, được tiếp tục sống và cống hiến.

Đặc biệt hơn, sự hiến tặng một hay nhiều bộ phận cơ thể của những người không may qua đời đã giúp cho các bác sỹ có thể cứu sống nhiều người bệnh cùng một lúc. Những tấm lòng vàng, những người hiến tặng đó dù đang sống hay đã mất, đều đáng được xã hội trân trọng, biểu dương và tri ân.

Bộ trưởng kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức, cá nhân trong cả nước hãy hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa tận cùng những bệnh nhân suy mô, tạng đang mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống.

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho biết, theo số liệu thống kê tính đến hết ngày 30/9, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn như ghép thận 1.116 ca, ghép gan 48 ca, ghép tim 13 ca, ghép thận-tụy 1 ca, ghép giác mạc, riêng Bệnh viện Mắt Trung ương từ 2005 đến nay đã ghép được 1.401 ca.

Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép. Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc; trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi… Như vậy, có rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như có nguồn hiến tặng thích hợp bởi vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng.

Vì vậy, chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” được tổ chức nhằm chuyển tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người. Đây cũng là một lời kêu gọi đến cộng đồng, xã hội tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng và là lời tri ân của ngành y tế đến những tấm lòng vàng đã tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình để cứu giúp những bệnh nhân suy mô, tạng giai đoạn cuối.

( VIETNAMPLUS)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu