Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 12/01/2025 09:01 (GMT +7)
PTT Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị cấp cao Mekong-Lan Thương
Thứ 4, 23/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Sáng 23/3, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương đã khai mạc tại thành phố Tam Á, thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc. Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Ảnh: TTXVN
Thưa Ngài Lý Khắc Cường, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,
Thưa Ngài Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Thái Lan, Đồng Chủ tịch hợp tác Mê Công-Lan Thương,
Thưa các vị Lãnh đạo,
Thưa Quý vị,
Thưa Ngài Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Thái Lan, Đồng Chủ tịch hợp tác Mê Công-Lan Thương,
Thưa các vị Lãnh đạo,
Thưa Quý vị,
Trước hết, tôi rất vinh dự thay mặt Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ nhất.
Tôi xin chân thành cảm ơn Chính phủ Trung Quốc về sự đón tiếp nồng ấm và chu đáo dành cho đoàn Việt Nam tại Thành phố Tam Á, Trung Quốc.
Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Trung Quốc tổ chức Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất để tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo các nước Mekong cùng trao đổi về tầm nhìn và định hướng hợp tác vì sự phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong.
Thưa Quý vị,
Sáu nước lưu vực sông Mekong-Lan Thương chúng ta có quan hệ láng giềng lâu đời, gắn kết bởi dùng cùng một dòng nước của sông Mekong-Lan Thương. Đây chính là cơ sở quan trọng cho thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Mekong-Lan Thương.
Trong bối cảnh hiện nay, tiểu vùng Mekong đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn cả về an ninh và phát triển, đặc biệt là những thách thức về suy thoái môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu. Điển hình là việc trong những tháng qua, hạn hán đang diễn ra gay gắt ở các nước hạ nguồn lưu vực sông Mekong, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái và cuộc sống của hàng triệu người dân.
Việc Trung Quốc tăng cường xả nước ở thượng nguồn theo đề nghị của các nước hạ nguồn Mekong để hỗ trợ khắc phục tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn là biểu hiện của sự cần thiết hợp tác Mekong-Lan Thương và là sự khởi đầu tốt đẹp của cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương, là minh chứng của sự gắn kết, chia sẻ nguồn nước của các nước chung một dòng sông. Chúng tôi đánh giá cao và cảm ơn Trung Quốc về sự hợp tác này.
Thưa Quý vị,
Các nước Mekong-Lan Thương đang bước vào giai đoạn then chốt trong sự phát triển của mỗi nước và của cả tiểu vùng. Sự phát triển sôi động của các liên kết kinh tế đa tầng nấc trong khu vực đang tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị cấp cao hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, gắn liền với sự ra đời của một cơ chế hợp tác mới giữa các nước Mekong-Lan Thương. Lần đầu tiên, cả 6 nước trong lưu vực sông Mekong-Lan Thương cùng trao đổi về phương hướng, biện pháp phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong.
Việt Nam ủng hộ các nguyên tắc và định hướng hợp tác lâu dài đã nêu trong Tuyên bố Tam Á, theo đó Hợp tác Mekong-Lan Thương được xây dựng trên nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Tôi tin rằng với những nguyên tắc và định hướng đó, Hợp tác Mekong-Lan Thương sẽ củng cố hơn nữa quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước Mekong-Lan Thương, góp phần tích cực hỗ trợ các nước thành viên thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030 của Liên hợp quốc, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc.
Trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng tăng cường hợp tác với các nước trong tiểu vùng Mekong. Để thúc đẩy Hợp tác Mekong-Lan Thương phục vụ tốt nhất lợi ích chung của cả tiểu vùng, tôi xin chia sẻ một số vấn đề sau đây:Thứ nhất, kết nối kinh tế là một trọng tâm ưu tiên trong xây dựng Cộng đồng ASEAN và quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc.
Tôi tin rằng Hợp tác Mekong-Lan Thương sẽ đóng góp tích cực vào thúc đẩy kết nối kinh tế trong tiểu vùng Mekong thông qua hợp tác phát triển và kết nối cơ sở hạ tầng, mà trước hết là kết nối giao thông.
Một hệ thống hạ tầng cơ sở hoàn thiện và gắn kết là rất cần thiết cho phát triển thương mại, đầu tư, du lịch trong tiểu vùng. Việt Nam ủng hộ tăng cường hợp tác năng lực sản xuất giữa các nước Mekong-Lan Thương nhằm phát huy hiệu quả lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh của các nước thành viên, thúc đẩy các chuỗi sản xuất kết nối các nền kinh tế trong tiểu vùng Mekong với nhau và với các đối tác khác.
Thứ hai, Hợp tác Mekong-Lan Thương cần phát huy vai trò quan trọng trong việc phối hợp nỗ lực của các nước thành viên cùng nhau quản lý, sử dụng một cách khoa học và bền vững nguồn nước sông Mekong.
Việt Nam ủng hộ hợp tác nguồn nước là trọng tâm hàng đầu trong 5 lĩnh vực ưu tiên của Hợp tác Mekong-Lan Thương. Chúng tôi nhất trí phối hợp với Trung Quốc xây dựng dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực trong việc quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong.
Tôi đề nghị các chuyên gia sớm trao đổi cụ thể để triển khai dự án thiết thực này, bao gồm việc xây dựng Tài liệu tham chiếu của Trung tâm, bảo đảm tính hiệu quả và bổ trợ cho hoạt động của các cơ chế và công cụ hiện có, như Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC). Việt Nam sẵn sàng đóng góp tài chính cho việc thành lập và hoạt động của Trung tâm, bao gồm cả việc cử chuyên gia đến công tác tại Trung tâm.
Thứ ba, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững của các nước Mekong-Lan Thương.
Cùng chung dòng sông Mekong và tương đồng về điều kiện tự nhiên, các nước Mekong-Lan Thương có nhiều tiềm năng về hợp tác sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng gặp không ít thách thức do tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước Mekong-Lan Thương thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất và hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp trong tiểu vùng nhằm hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa an ninh lương thực và an ninh nguồn nước.
Thứ tư, hợp tác và liên kết thương mại, đầu tư và du lịch là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước trong tiểu vùng.
Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với các nước Mekong-Lan Thương trong tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới, nhất là trên các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng, thông qua đơn giản hóa và hài hòa hóa quy trình, thủ tục. Chúng tôi cũng mong muốn các nước Mekong-Lan Thương phối hợp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở cửa khẩu biên giới nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, dịch vụ và thu hút đầu tư.
Điều sau cùng tôi muốn đề cập là Hợp tác Mekong-Lan Thương là một cơ chế hợp tác mở, không chỉ bổ khuyết cho các khuôn khổ hợp tác hiện có trong tiểu vùng Mekong, mà sẽ tạo nên nhiều “giá trị gia tăng” cho hợp tác giữa các nước Mekong-Lan Thương.
Để tạo cộng hưởng và tác động lan toả, Hợp tác Mekong-Lan Thương cần phối hợp hài hòa với các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khác, đặc biệt là Chương trình Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và Ủy hội sông Mekong (MRC).
Bên cạnh đó, hợp tác của chúng ta cũng cần theo đuổi cách tiếp cận thực chất, có trọng tâm và mang lại lợi ích thiết thực. Các dự án của Hợp tác Mekong-Lan Thương cần mang tính đa phương, bao trùm và phù hợp với ưu tiên của Hợp tác Mekong-Lan Thương.
Thưa Quý vị,
Hội nghị Cấp cao hôm nay đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa các nước Mekong-Lan Thương, truyền thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và cam kết của sáu nước chúng ta đối với hoà bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực .
Tôi tin rằng với sự thành tâm và tinh thần hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trước những vấn đề chung, Hợp tác Mekong-Lan Thương của chúng ta sẽ góp phần tích cực vào thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của các nước nằm dọc theo con sông Mekong-Lan Thương cũng như của cả khu vực.
Xin cảm ơn!
Ý kiến ()