Chủ Nhật, 26/01/2025 14:55 (GMT +7)

Quan hệ Mỹ-Trung có nguy cơ xảy ra kịch bản tồi tệ nhất

Thứ 7, 16/05/2020 | 10:03:00 [GMT +7] A  A

Ngày 15/1, dường như Mỹ và Trung Quốc đã tránh được một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thế nhưng, chỉ trong vài tháng xảy ra đại dịch COVID-19, mối quan hệ này dường như tuột dốc không phanh và có nguy cơ xảy ra kịch bản xấu nhất.

Quan hệ xuống dốc nghiêm trọng

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong chuyến thăm một công ty cung ứng thiết bị y tế ở Allentown, bang Pennsylvania ngày 14/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bloomberg, tại Washington đầu năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc tốt nhất từ trước tới nay” khi ký thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa hai bên. Thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc khiến dư luận hy vọng hai nước có thể giải quyết bất đồng trong hòa bình.

Cùng ngày 15/1, các quan chức y tế ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) thừa nhận họ không thể loại trừ khả năng một loại bệnh viêm phổi mới lây từ người sang người sau khi bệnh này khiến 41 người ốm.

Một người đàn ông đã tới Vũ Hán và về nhà ở bang Washington, mang theo mầm bệnh chết người. Đây được cho là trường hợp đầu tiên ở Mỹ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bốn tháng sau, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã khiến thế giới trải qua khủng hoảng y tế toàn cầu tồi tệ nhất trong cả trăm năm, khiến trên 300.000 người thiệt mạng và nền kinh tế toàn cầu suy thoái sâu.

Đại dịch cũng làm sống lại những kịch bản tồi tệ nhất trong quan hệ Mỹ-Trung, khiến hai nước ở tình trạng đối đầu nghiêm trọng hơn bao giờ hết kể từ khi thiết lập quan hệ cách đây 40 năm.

Từ chuỗi cung, vấn đề thị thực, an ninh mạng tới vấn đề Đài Loạn, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang tranh cãi trên nhiều mặt trận. Tổng thống Trump thậm chí còn tức giận với thỏa thuận thương mại giai đoạn một, cho dù thỏa thuận này đã ngăn hai bên tránh biến khẩu chiến thành thực chiến.

Ngày 14/5, Tổng thống Trump nói ông không muốn nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Mỹ sẽ tiết kiệm được 500 tỷ USD nếu cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại cuộc đàm phán ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Căng thẳng có thể sẽ gia tăng trước khi Mỹ bước vào bầu cử tổng thống tháng 11 tới. Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc gây ra cuộc khủng hoảng COVID-19 ngày càng nhiều khi mà hậu quả của đại dịch có thể làm giảm cơ hội tái cử của ông. Ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Dân chủ Joe Biden, Quốc hội Mỹ và một số bang cũng phản đối mạnh Trung Quốc.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đã huy động lực lượng dân tộc để chống Mỹ khi mà tình hình xuất khẩu và tỷ lệ thất nghiệp tăng đang đẩy nước này vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ.

Cùng lúc đó, các nhà ngoại giao và báo chí nhà nước Trung Quốc đã củng cố các thuyết âm mưu, rằng quân đội Mỹ đã đưa SARS-CoV-2 tới Vũ Hán và cáo buộc một số chính trị gia Mỹ tìm cách đổ lỗi cho Trung Quốc khi Mỹ có ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới. Trung Quốc đã coi các quan chức chính quyền Mỹ là những người nói dối, thậm chí còn có những phát ngôn mang tính miệt thị nhằm vào Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo.

Hành động chiến tranh

Hàng hóa được xếp tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc khủng hoảng đã khiến những nhân vật theo đường lối cứng rắn ở cả hai bên đe dọa lẫn nhau. Các nghị sĩ Cộng hòa chủ chốt đã đề xuất hủy hơn 1.000 tỷ USD tiền mà Mỹ nợ Trung Quốc – đề xuất bị ví là “hành động chiến tranh”.

Trong khi đó, tổng biên tập một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất tăng gấp ba kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc hiện ở mức thấp. Đại dịch cũng khiến gia tăng căng thẳng trong những cuộc tranh cãi cũ giữa hai nước, như vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).

Dòng tin tức giữa hai nước cũng chịu thiệt hại khi hàng chục nhà báo từ của Mỹ và Trung Quốc đã bị trục xuất trong những tháng gần đây. Bắc Kinh cảnh báo tăng cường trả đũa trong tuần này sau khi Washington giảm thị thực cho nhân viên báo chí Trung Quốc xuống 90 ngày.

Tầm quan trọng của thỏa thuận giai đoạn một

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại cuộc gặp ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Xung đột Mỹ-Trung khiến một số người ở Trung Quốc hạ thấp triển vọng đạt thỏa thuận khác với Tổng thống Trump.

Ông Shi Yinhong, cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc và là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc cần hạ giọng với hy vọng duy trì được mối quan hệ sau bầu cử Mỹ với phe Dân chủ trong trường hợp phe này giành được Nhà Trắng.

Bà Susan Shirk, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 thuộc Đại học California San Diego, nói: “Ông Joe Biden làm tổng thống Mỹ sẽ mang tính thực tế hơn và ít tính ý thức hệ hơn. Thay vì xung đột với Trung Quốc trên nhiều mặt mà không có mục đích rõ ràng, chính quyền do ông Biden đứng đầu sẽ gây áp lực ở một số lĩnh vực này và cứng rắn ở một số lĩnh vực khác như an ninh quốc gia hay công nghệ, mà mục tiêu là đàm phán để Trung Quốc thay đổi chính sách”.

Phần lớn mọi việc đều phụ thuộc vào việc thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ-Trung có cầm cự qua ngày bầu cử Mỹ được không. Tổng thống Trump cho thấy ông đang ngày càng mất kiên nhẫn với Trung Quốc. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings dự báo Trung Quốc không thể thực hiện cam kết mua thêm lượng hàng hóa Mỹ trị giá 200 tỷ USD trong năm nay và năm sau.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình không thích chiến tranh thuế quan trong bối cảnh dịch bệnh khiến hai nước lâm vào khủng hoảng lịch sử. Mối lo ngại lớn nhất của hai lãnh đạo là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội, chính trị.

Ông James Green, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn địa chính trị McLarty Associates, cho rằng cả hai bên đều muốn duy trì thỏa thuận. Ngày 15/5, Trung Quốc bắt đầu cho phép nhập nông sản Mỹ theo thỏa thuận giai đoạn một. Ông Green nói: “Theo tôi, có dấu hiệu cho thấy có thể duy trì mối quan hệ hiệu quả”.

Tuy nhiên, mỗi trận chiến mới giữa hai bên sẽ làm gia tăng sự hoài nghi lẫn nhau. Khi chuỗi cung gián đoạn do đại dịch COVID-19, Mỹ hối thúc các doanh nghiệp chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Ngày 14/5, Tổng thống Trump cho biết ông đang xem xét các công ty Trung Quốc giao dịch trên sàn chứng khoán New York và Nasdaq nhưng không tuân theo quy định kế toán của Mỹ.

Giáo sư Shi tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định: “Quan hệ Trung Quốc-Mỹ đã rơi xuống mức tệ nhất trong nhiều thập kỷ và sẽ chỉ căng thẳng thêm… Căng thẳng chính trị và ý thức hệ đang bị cố tình làm nóng”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/quan-he-mytrung-co-nguy-co-xay-ra-kich-ban-toi-te-nhat-20200515155505139.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu