Thứ Năm, 23/01/2025 02:06 (GMT +7)

Sân bay thế giới chật vật kiếm tiền, tìm đường sống giữa đại dịch COVID-19

Thứ 7, 15/08/2020 | 08:56:00 [GMT +7] A  A

Các sân bay khắp thế giới phải xoay xở đủ cách để tồn tại khi mà số lượng hành khách đi máy bay giảm hẳn do đại dịch COVID-19.

Sân bay Changi của Singapore vắng vẻ ngày 19/3. Ảnh: THX

Theo Bloomberg, trong khảo sát các sân bay tốt nhất thế giới, sân bay Changi của Singapore thường đứng gần vị trí đầu. Changi, một trung tâm giao thông hàng đầu thế giới, đã biến thành điểm đến mua sắm thượng lưu. Năm 2019, Changi có thêm Jewel, khu phức hợp vui chơi rộng gần 140.000m2 gồm các cửa hàng và địa điểm hấp dẫn như rừng mưa, mê cung hàng rào, thác nước trong nhà cao nhất thế giới…

Chính phủ Singapore định trong năm 2020 sẽ bắt đầu chọn nhà thầu để xây nhà ga thứ 5 khổng lồ nhằm tăng công suất hàng năm 55%, lên 140 triệu hành khách.

Sau đó, đại dịch COVID-19 đột ngột xuất hiện. Giao thông tại sân bay Changi, vốn là trung tâm yêu thích của giới doanh nhân đi khắp thế giới, giảm hơn 99% trong tháng 4, 5 và 6 so với năm trước đó. Changi giảm công suất, bỏ không hai trong bốn nhà ga và hoãn kế hoạch xây nhà ga thứ 5.

Đại dịch cũng khiến các sân bay toàn thế giới rơi vào cảnh ế ẩm khi không còn cảnh máy bay lên xuống tấp nập, khách hàng nườm nượp mua sắm. Các nhà điều hành sân bay chỉ còn những tòa nhà không người và đang tìm cách để tạo thu nhập.

Thác nước nổi tiếng trong sân bay Changi. Ảnh: Nikkei

Sân bay Changi khuyến khích người Singapore dù không đi máy bay cũng tới đây mua sắm miễn thuế tại các nhà bán lẻ đang ế khách. Sân bay cũng bán gói vào cửa 3 tháng đối với khu vực hoạt động của Jewel.

Ông Max Hirsh, thành viên nghiên cứu Đại học Hong Kong (Trung Quốc), nói: “Điều mà COVID-19 dạy các sân bay là họ cần đa dạng hóa nguồn doanh thu. Các sân bay sẽ phải tìm cách khác nhau để kiếm tiền”.

Đây là thay đổi ảm đạm so với kỷ nguyên trước đại dịch, khi mà các hãng hàng không tranh nhau đường băng, cổng vào, nhà ga trong bối cảnh hàng không toàn cầu bùng nổ. Còn giờ đây, nỗ sợ dịch bệnh và lệnh cấm đi lại đã khiến hoạt động kinh doanh và giao thông quốc tế đình trệ. Các hãng hàng không và sân bay đã không còn hưởng các khoản lợi nhuận béo bở.

Tập đoàn Vinci của Pháp, điều hành sân bay Gatwick ở London và 44 sân bay ở châu Á, châu Âu, Mỹ Latinh và Mỹ, báo cáo sụt giảm 96% lượng hành khách trong quý hai. Tập đoàn Nhà ga Sân bay Nhật Bản điều hành sân bay Haneda ở Tokyo thua lỗ 165 triệu USD trong ba tháng 4, 5 và 6, doanh thu giảm 87%.

Hàng ghế chỉ có một hành khách tại ga đi quốc tế, sân bay Haneda, Nhật Bản ngày 29/4. Ảnh: Ecns

Tập đoàn Giao thông Hàng không Quốc tế dự kiến lỗ 100 tỷ USD vào năm tới và dự báo giao thông hàng không phải tới năm 2024 mới hồi phục như trước đại dịch.

Ông Philippe Pascal, Giám đốc điều hành tài chính, chiến lược và quản lý tập đoàn Aeroports de Paris, còn dự báo giao thông quốc tế phải tới năm 2027 mới có thể hồi phục.

Dù vậy, ngay cả khi không còn đa số khách hàng, các cơ sở hạ tầng vẫn phải mở cửa kinh doanh. Không chính phủ nào cho các trung tâm này đóng cửa. Bà Mirjam Weidemann, giảng viên ngành hàng không tại Đại học Nam Australia, nói: “Việc một sân bay lớn đóng cửa là điều không thể tưởng tượng nổi”.

Các nhà điều hành lớn đang đề nghị chủ nợ hỗ trợ. Trong khi chờ ngành hàng không hồi phục, một số sân bay đã tìm cách sử dụng bất động sản của mình.

Sân bay quốc tế Ontaria ở Nam California đã mở rạp chiếu phim trong bãi đỗ xe hồi tháng 6 và 7.
Để có doanh thu lâu dài, sân bay quốc tế Edmonton ở Alberta trong tháng 7 đã thông báo kế hoạch mở nông trại mặt trời 120 megawatt rộng hơn 250ha.

Sân bay Ontario biến bãi đô xe thành rạp chiếu phim ngoài trời. Ảnh: newsbreak

Sân bay Munich hồi tháng 6 đã đạt thỏa thuận với tập đoàn DHL Express để xây dựng kho hàng 82 triệu USD trên phần đất được dùng làm bãi đỗ xe.

Để tiết kiệm tiền, nhiều sân bay đang sa thải người lao động hoặc đóng cửa các cơ sở hạ tầng. Sân bay Copenhagen sẽ cắt giảm 25% trong 2.600 nhân sự và giảm chi phí 51 triệu USD.

Tập đoàn Corporación América Airports tháng 7 cho biết sẽ tạm đóng cửa sân bay Aeroparque, một trong hai sân bay phục vụ Buenos Aires, trong 4 tháng để cải tạo và mở rộng.

Ở một số nước, chính phủ cũng hỗ trợ các sân bay. Tại Mỹ, Đạo luật Cares có khoản 10 tỷ USD dành cho các sân bay thương mại và khu vực. Trong quá trình đàm phán cho gói kích thích tiếp theo, đảng Cộng hòa đã đề xuất khoản 10 tỷ USD nữa dành cho các sân bay lớn.

Một số chính phủ châu Á cho rằng đại dịch sẽ kết thúc vào thời điểm họ hoàn thành các dự án mở rộng sân bay. Ở Thái Lan, giai đoạn đầu trong dự án 9,4 tỷ USD mở rộng sân bay ở phía nam Bangkok sẽ hoàn thành năm 2024. Hong Kong sẽ chi 18 tỷ USD để mở rộng sân bay. Trung Quốc, Hàn Quốc cũng vẫn tiếp tục xây dựng các dự án sân bay tốn kém.

Sân bay quốc tế Hong Kong vắng tanh ngày 24/3. Ảnh: AFP

Khi hành khách trở lại, các sân bay cần đánh giá lại cách kiếm tiền. Họ có thể cung cấp các dịch vụ như sắp xếp khách sạn cho phi hành đoàn, dịch vụ ăn tối, chăm sóc y tế cho hành khách… Ông Greg Fordham, Giám đốc điều hành công ty tư vấn dự án sân bay Airbiz ở Melbourne, nhận định khủng hoảng lần này là cơ hội lớn để các sân bay tham gia vào những việc họ chưa từng làm trước đây.

Nhưng hiện tại, các sân bay sẽ phải tập trung chuyển hướng hoạt động để giải quyết thực tế phù hợp với tình hình đại dịch. Sân bay quốc tế Auckland ở New Zealand ngày 3/8 cho biết sẽ tách ga quốc tế thành hai khu vực, một khu vực cho hành khách đến và đi từ các nước trong hành lang du lịch an toàn với New Zealand, và một khu vực dành cho hành khách phải cách ly.

Tổng giám đốc điều hành sân bay Auckland, ông Adrian Littlewood, nói: “Hiện vẫn chưa rõ khi hàng không phục hồi sẽ như thế nào. Không thể kỳ vọng các chính phủ giải quyết mọi vấn đề. Ngành cần tự lực và đề xuất giải pháp để tìm cách tồn tại trong hoàn cảnh hiện nay”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/san-bay-the-gioi-chat-vat-kiem-tien-tim-duong-song-giua-dai-dich-covid19-20200814162905108.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu