Thứ Sáu, 24/01/2025 06:21 (GMT +7)

Sau COVID-19 sẽ là ‘nạn dịch’ rác thải y tế

Thứ 5, 25/06/2020 | 11:50:00 [GMT +7] A  A

Rác thải y tế tại Vũ Hán đã tăng tới 500% trong thời điểm đại dịch COVID-19 đạt đỉnh. Sự thiếu hụt lò đốt rác thải ở nhiều quốc gia có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe, hãng tin Bloomberg bình luận.

Nhân viên môi trường dọn rác thải y tế tại một bệnh viên ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Thế giới đang vận lộn với sự lây lan của một vấn nạn y tế khác được tạo ra từ đại dịch COVID-19, nạn tràn ngập rác thải nguy hại. Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, trong thời kỳ đại dịch đạt đỉnh ở Vũ Hán, nơi khởi phát virus SARS-CoV-2, lượng rác thải y tế trung bình một ngày lên đến 240 tấn, gấp 6 lần mức bình thường.

Còn theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), thủ đô Manila của Philippines cũng tạo ra lượng rác thải y tế tăng thêm là 280 tấn. Con số này ở thủ đô là 212 tấn/ngày. Có rất ít nước có đủ năng lực để xử lý lượng rác thải bổ sung này, ADB nhận định.

Ông Shardul Agrawala, trưởng bộ phận đặc trách vấn đề môi trường và hội nhập kinh tế tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sự gia tăng mạnh của hệ chất thải y tế có thể đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, khi các nước tiến đến thời điểm đỉnh dịch, như những gì từng thấy ở Vũ Hán và nhiều thành phố châu Á khác.

Đại dịch đã kích hoạt nhu cầu sản phẩm nhựa đóng gói, tăng sản lượng các mặt hàng sử dụng một lần như khẩu trang, găng tay, bộ dụng cụ kít xét nghiệm mà ở đó nhựa plastic là thành phần chủ chốt. Thực tế này đã xóa sạch nỗ lực nhiều năm gần đây của các chính phủ và những nhà hoạt động môi trường trong khuyến khích người tiêu dùng không tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần, cắt giảm khí độc hại thải ra từ các lò đốt rác.

Trong tháng 4, có đến 50 tấn rác có nguy cơ lây nhiễm được các trung tâm y tế ở Thái Lan thải ra, trong khi năng lực xử lý của các lò đốt tại nước này chỉ là 43 tấn/ngày. Tại Vũ Hán, mức độ mất cân bằng này còn tệ hơn, khi mà năng lực xử lý chỉ đạt 49 tấn/ngày, bằng khoảng 1/5 lượng rác thải lây nhiễm thải ra hàng ngày trong giai đoạn dịch lên đỉnh.

Quy định đóng cửa được áp dụng tại nhiều thành phố cũng cản trở nỗ lực tái xử lý rác thải đô thị thông thường, buộc giới chức chính quyền phải dựa vào các lò đốt vốn đã quá tải. “Đốt có lẽ là giải pháp tức thời để xử lý lượng rác thải y tế tăng nhanh. Nhưng đó không phải là giải pháp tốt nhất. Chất lượng không khí và những hệ quả về sức khỏe là điều chúng ta cần quan tâm”, ông Agrawala nhận định.

Hệ quả là, ở nhiều quốc gia, rác thải y tế như khẩu trang qua sử dụng được được chôn cùng rác thải hỗn hợp, hoặc đơn giản bị ném ra biển, vứt dọc bờ biển.

Lo ngại của công chúng trước mức độ lây lan của đại dịch cũng khiến các nhà bán lẻ đảo ngược các nỗ lực bền vững về môi trường. Tập đoàn Target và Trader Joe’s là một trong nhiều nhà bán lẻ không cho phép khách mua hàng mang theo túi tái sử dụng. Trong khi tập đoàn Starbucks đã dừng việc cho phép khách hàng sử dụng cốc dùng nhiều lần vì lo sợ lây nhiễm.

Để xử lý lo ngại ngày một gia tăng về sử dụng sản phẩm dùng lại nhiều lần trước nguy cơ lây nhiễm, công ty Greenpeace USA Inc. khẳng định sản phẩm nhựa dùng một lần không an toàn hơn các sản phẩm tái sử dụng, vì virus có thể vẫn có khả năng lây nhiễm trên bề mặt của hai chủng loại này. Bằng cách xử dụng các chất khử trùng gia dụng, các sản phẩm tái sử dụng có thể vẫn an toàn trong thời gian đại dịch bùng phát.

Theo ông Agrawala, việc bùng nổ rác thải nhựa là vấn đề khẩn cấp mà chính phủ các nước cần quan tâm khi lên kế hoạch phục hồi kinh tế, không để mất đi các thành quả đạt được trong nhiều thập kỉ qua trong cuộc chiến toàn cầu chống ô nhiễm rác thải nhựa.

“Tác động môi trường thực sự sẽ được quyết định bởi cách thức các nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Nếu virus vẫn là một phần trong đời sống thường nhật, chúng ta cần tìm kiếm các giải pháp dài hơi hơn và bền vững hơn”, chuyên gia này nhận định.

Hoài Thanh/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/the-gioi/sau-covid19-se-la-nan-dich-rac-thai-y-te-20200624194438224.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu