Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 17:06 (GMT +7)
Sóc Trăng đối mặt với bất lợi kép từ thiên tai
Thứ 4, 09/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Trong những ngày đầu tháng 3/2016, thời điểm khốc liệt nhất của mùa nắng nóng trong năm, người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng đang phải đối mặt với những bất lợi kép từ thiên tai.
Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cho đời sống, sản xuất của người dân Sóc Trăng gặp muôn vàn khó khăn.
Nhiều diện tích lúa của nông dân huyện Trần Đề, Sóc Trăng đã bị mất trắng. Ảnh: Trung Hiếu – TTXVN |
Sự ảnh hưởng và tàn phá của hạn mặn với việc sản xuất của nông dân Sóc Trăng là chưa thể thống kê đầy đủ được. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, hạn mặn đã làm hơn 12 ngàn ha lúa của người dân Sóc Trăng bị ảnh hưởng, trong đó có gần 2.000 ha lúa trổ đòng bị chết vì khô hạn và nước mặn xâm nhập.
Chị Danh Thị Duyên, ở ấp Sóc Lèo, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết: hàng năm, gia đình chị mướn 2 công ruộng (khoảng 2.000 m2 đất) để trồng lúa và cho thu hoạch khoảng 2 tấn lúa/ năm. Năm nay, do hạn mặn đã làm diện tích lúa trên chết đứng và gần như mất trắng, chị phải đi cắt lại những bông lúa lưng trên mảnh ruộng khô cháy của mình.
Toàn huyện Trần Đề, có hơn 1.000 ha lúa Đông Xuân thì đã có trên 400 ha lúa bị thiệt hại, số diện tích còn lại bị giảm năng suất. Ông Trần Hoàng Dũng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết: ngành nông nghiệp đang tiến hành cơ cấu lại mùa vụ, thay đổi giống để hạn chế thiệt hại cho bà con.
Ngoài thiệt hại về lúa do khô hạn, ngoài biển, những con sóng dữ cũng liên tục tàn phá các tuyến đê bao ven biển của tỉnh, trước sự gia cố và khắc phục nhỏ bé của sức người, thiên tai đang làm cho người dân Sóc Trăng đứng trước muôn vàn khó khăn.
Là địa phương có bờ biển dài trên 40km, hàng năm, tuyến đê biển của thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) luôn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn. Đây cũng là địa bàn xung yếu của tỉnh Sóc Trăng trong công tác phòng chống lụt bão.
Trong đó, việc sạt lở các tuyến đê bao ven biển luôn là bài toán trăn trở với chính quyền và người dân xứ biển này. Bởi, trước sự tác động ngày càng nhanh, mạnh, khốc liệt và khó lường của biến đổi khí hậu thì các biện pháp khắc phục và gia cố các tuyến đê bao ven biển dường như đang diễn ra trong tình cảnh “lấy trứng chọi đá”.
Tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu một trong những địa phương chịu ảnh hưởng thường trực của tình trạng sạt lở đê biển, dù các tuyến đê biển được gia cố và sửa chữa hàng năm, nhưng trước triều cường dâng cao và những con sóng dữ vào tháng 10 và tháng 11 hàng năm, việc vỡ đê đã được coi như là định kỳ.
Gần đây, vào giữa tháng 2/2016, tuyến đê bao xung yếu trên địa bàn lại tiếp tục bị vỡ tại đoạn k41 và k43 thuộc ấp Mỹ Thanh làm sạt lở hoàn toàn gần 50m đê bao, nhiều đoạn bị nước biển xói mòn. Dù ngay sau đó, chính quyền địa phương đã nhanh chóng khắc phục và huy động sức người cùng cơ giới hóa, nhưng xét về lâu dài, tuyến đê bao sẽ khó đứng vững trước các cơn sóng dữ trong tương lai.
Đê bao vỡ thì việc sản xuất, sinh hoạt của người dân hiển nhiên bị ảnh hưởng. Nước mặn xâm nhập sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu mùa vụ, dân cư trên địa bàn. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đối với người dân vùng ven biển đang tác động ngày càng mạnh mẽ.
Ông Lâm Văn Loan, ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng mong muốn: Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ làm đê cho hoàn chỉnh vì nếu đê bị lở nữa thì đất, hoa màu của dân mình sẽ bị hỏng hết.
Trước đó vào năm 2015, người dân ở ấp Phụng An, xã Song Phụng, huyện Long Phú, Sóc Trăng bàng hoàng vì sự sạt lở quá nhanh và quá bất ngờ của bờ sông Kế Sách. Khu vực bị sạt lở nằm giáp sông Kế Sách (nằm giáp ranh giữa 2 huyện Long Phú và Kế Sách) có mực nước sâu, nằm ngay khúc cua của dòng sông nhưng lại chưa có bờ kè nên khi có sạt lở đã gây thiệt hại lớn.
Việc người dân trên địa bàn các huyện của tỉnh Sóc Trăng những năm gần đây chịu ảnh hưởng bởi sự bất thường của thiên nhiên với mức độ ngày càng nặng hơn, nhanh hơn và khó lường hơn đang cho thấy sức tác động của quá trình biến đổi khí hậu ngày càng lớn dần tại các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Sóc Trăng.
Dù người dân và chính quyền các cấp đã có sự chủ động nhằm giảm thiệt hại trước sự tác động trên nhưng về lâu dài, vẫn rất cần một giải pháp toàn diện và cấp thiết hơn cho cư dân vùng ven sông, ven biển để họ được an toàn hơn trong cuộc sống và sản xuất. Cụ thể, là các công trình kè chắn sóng, bờ kè sông, hệ thống đê, trữ ngọt… cần được thực hiện đầy đủ và hiệu quả hơn.
Ý kiến ()