Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 00:53 (GMT +7)
Tái bùng phát COVID-19 ở Israel và bài học với các nước châu Á
Thứ 2, 06/09/2021 | 16:16:00 [GMT +7] A A
Lây nhiễm COVID-19 tái bùng phát ở Israel bất chấp tỉ lệ tiêm chủng ở mức cao làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến không có hồi kết.
Israel ưu tiên tiêm mũi vaccine thứ 3 cho nhóm đối tượng người cao tuổi. Ảnh: Reuters
Nhưng giới chuyên gia tại Israel và các nước châu Á cũng đã phác thảo ra một bức tranh nhiều sắc thái về thực tế tại quốc gia Trung Đông này, rút ra những bài học cũng như những nhen nhóm hy vọng về cách thức sống chung với COVID-19.
Ngày 5/9, Israel ghi nhận 9.739 ca nhiễm mới. Trước đó, nước này từng đạt mức kỉ lục về số ca nhiễm trong ngày hôm 3/9, với 11.187 ca. Nguyên nhân được cho là các cơ sở y tế tại Israel đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm. Nhưng con số dao động trung bình khoảng 10.000 ca nhiễm mới/ngày ở Israel là đáng báo động, trong bối cảnh hơn 60% dân số nước này đã được tiêm đủ 2 liều vaccine Pfizer.
Có khoảng 6.000 ca nhiễm rơi vào số chưa tiêm phòng, 4.000 ca còn lại thuộc nhóm đã hoàn tất tiêm chủng. Trên phạm vi toàn cầu, Israel là nước đầu tiên trên thế giới khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường đối với người từ 12 tuổi trở lên, đặt ra tiêu chí tiêm ba mũi mới được gọi là “tiêm đủ liều”.
Theo giới chuyên gia Israel, đây chưa hẳn là nguy cơ. Giáo sư Eyal Leshem thuộc Trung tâm Y khoa Sheba thậm chí còn đề cập đến một số khía cạnh tích cực trong làn sóng COVID-19 hiện nay tại Israel. Học sinh trở lại trường học, các hoạt động thương mại, kinh doanh, giải trí được duy trì, hạn chế duy nhất còn lại là đeo khẩu trang trong không gian kín.
Mở cửa kinh tế, nhưng số ca bệnh nặng ở Israel vẫn dưới ngưỡng 1.100 ca/ngày từng được ghi nhận tại thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 1 vừa qua. Trong làn sóng lây nhiễm mới nhất này, mức kỉ lục về ca bệnh nặng là 753/ngày. Đến ngày 4/9, con số này là 677 ca. Số ca tử vong cũng ở mức thấp, dao động từ 20-30 ca/ngày, chưa bằng một nửa so với hồi tháng 1.
“Chúng ta nhận thấy rõ mức độ bảo vệ tuyệt vời từ hai liều tiêm vaccine. Khi nhìn vào dữ liệu tỉ lệ dịch bệnh, không nên tuyệt đối hóa số ca nhiễm mới và cần lưu tâm đến số ca diễn tiến nặng. Ở khía cạnh này, chúng ta có tỉ lệ ca bệnh nặng ở người chưa tiêm vaccine là 300/100.000 dân. Nhưng với người tiêm đủ liều, tỉ lệ này chỉ là 19/100.000 dân. Đấy là tính với người trên 60 tuổi”, ông Leshem nói.
Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hội châu Á-Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng, cùng chia sẻ quan điểm này vào cho rằng những gì đang diễn ra ở Israel càng củng cố vững chắc quan điểm lựa chọn phù hợp duy nhất là sống chung với COVID-19. “Số ca nhiễm ở Israel ở mức cao. Nhưng số ca bệnh nặng và tử vong cũng thấp hơn so với các làn sóng dịch bệnh trước đo ở thời điểm chưa triển khai chiến dịch tiêm vaccine”, ông Tambyah đánh giá.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: THX/TTXVN
Ở thời điểm hiện tại, Singapore là nước dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng, với hơn 80% dân số tiêm đủ hai liều. Nhưng số ca mắc mới tại Đảo quốc Sư tử vẫn ở trên mức 200, vượt so với mức hai con số trước đó. Dù Israel khác biệt Singapore về nhân chủng học và cũng là nước có tỉ lệ người không có ý định tiêm vaccine cao hơn, nhưng cả hai đều cho thấy một xu hướng về “cần phải chấp nhận số ca nhiễm tăng ở chừng mực nhất định, miễn là không đi kèm số ca bệnh nặng và tử vong tăng theo”, giáo sư Tambyah nêu quan điểm.
Nhưng nếu hai liều tiêm vaccine là đủ để “sống chung” với COVID-19, tại sao Israel lại sốt sắng tiêm mũi thứ 3. Theo ông Leshem, chính phủ Israel hiểu rằng biến thể Delta có mức lây nhiễm cao vẫn làm tăng số bệnh nhân nhập viện của ca nhiễm đột phá – đối tượng đã hai liều. Đi cùng đó là những kết quả nghiên cứu bước đầu tại Israel, cho thấy khả năng miễn dịch của vaccine suy giảm sau 6 tháng hoàn tất mũi thứ hai. Đến thời điểm này, Israel đã tiêm mũi ba cho gần 2,5 triệu dân.
Singapore cũng nằm trong nhóm nước có ý định tiêm mũi tăng cường. Một ủy ban chuyên gia về vaccine tại nước này đang thảo luận về kế hoạch này, tập trung vào việc có hay không nên tiêm mũi ba, nếu tiêm thì sẽ là cho đa số dân chúng, hay chỉ tiêm trên một nhóm đối tượng nhất định – là số dễ bị tổn thương.
Cả hai giáo sư Leshem và Tambyah đều định ra một tương lai mà ở đó các nước sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch nhưng không được phép làm cản trở hoạt động kinh tế. Theo Leshem, thông điệp nằm ở điểm cần phải chấp nhận thực tế số ca mắc có thể tăng ngay cả khi độ che phủ vaccine lớn, một khi biến thể Delta lây lan trong cộng đồng. Để sống chung hiệu quả với COVID-19, cần tổng hợp các giải pháp về vaccine, tăng cường hệ thống miễn dịch, truyền thông đáng tin cậy từ chính quyền cũng như đề cao trách nhiệm công dân.
Về phần mình, ông Tambyah gọi chiến lược đưa số ca nhiễm về không (zero COVID-19) là phù phiếm, không thực tế. Singapore từ cuối tháng 6 đã đề ra lộ trình sống chung với COVID-19. “Chúng ta cần tập trung bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, kiểm soát các ổ dịch lớn, đẩy nhanh tiêm chủng, duy trì hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, phúc lợi xã hội của người dân”, giáo sư Tambyah nói.
TTXVN
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tai-bung-phat-covid19-o-israel-va-bai-hoc-voi-cac-nuoc-chau-a-20210906115325826.htm
Ý kiến ()