Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 02:15 (GMT +7)
Tại sao một số quốc gia ghi nhận nhiều trẻ em mắc COVID-19 và tử vong?
Thứ 2, 24/05/2021 | 10:10:00 [GMT +7] A A
Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng trẻ em ít có nguy cơ mắc COVID-19 nặng. Nhưng thực tế đang chứng minh rằng tình trạng trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 đang ngày càng tăng ở Brazil, Indonesia và Ấn Độ.
Nhà dịch tễ học hàng đầu của Brazil cho biết COVID-19 đang gây ra triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong ở trẻ em. Ảnh: Reuters
Theo trang Guardian (Anh), bác sĩ cấp cứu và nhà dịch tễ học hàng đầu Brazil, bà Fatima Marinho, đang nhận thấy các triệu chứng COVID-19 ở trẻ em hoàn toàn trái ngược với các nhận định lan truyền khắp toàn cầu trong suốt đại dịch cho rằng trẻ em dường như không có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng.
“Đau cơ dữ dội, tiêu chảy, ho, đau bụng và phải nhập viện, mọi triệu chứng này đều xảy ra với trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Brazil”, bác sĩ Marinho nói.
Theo dữ liệu mới nhất, đã có 2.216 trẻ em từ 0 đến 9 tuổi tử vong vì COVID-19. Trong đó, có 1.397 trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi và trên 67.000 trẻ em từ 0 đến 9 tuổi nhập viện vì căn bệnh này tại Brazil.
Bà Marinho cho biết tình hình dịch bệnh ở Brazil đang thay đổi, khi các ca bệnh nặng chủ yếu tập trung ở trẻ em.
“Chúng tôi thấy nhiều người trẻ nhập viện và tử vong hơn so với năm 2020. Chẳng bao lâu nữa, Brazil sẽ phải triển khai tiêm chủng cho những người trẻ tuổi vì những rủi ro liên quan đến các biến thể mới. Nhưng không có đủ vaccine”, bà nói.
Hôm 22/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia giàu có đã hoàn thành tiêm chủng cho những người dễ tổn thương nhất hoãn lại việc tiêm chủng cho trẻ em. Thay vào đó, tổ chức kêu gọi các nước này tặng vaccine cho sáng kiến COVAX để các quốc gia cần nhất có thể được tiếp cận vaccine.
Việc tiêm chủng cho trẻ em đã được triển khai ở một số quốc gia, Canada và Mỹ đã phê duyệt tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi.
Ấn Độ đang ghi nhận ngày càng nhiều trẻ em mắc COVID-19. Ảnh: Shutterstock
Tuy nhiên, trong số những người cần được cứu sống ở những quốc gia đang bị virus SARS-CoV-2 tấn công – bao gồm Ấn Độ, Brazil và Indonesia – có cả trẻ em. Vậy tại sao COVID-19 lại lây nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em ở những quốc gia này mà không phải ở những nơi khác?
Mặc dù cần nghiên cứu thêm, song bác sĩ Marinho cho rằng có một số yếu tố đóng vai trò quan trọng. Thứ nhất, việc chẩn đoán COVID-19 cho trẻ em quá muộn, hầu hết ở giai đoạn trẻ đã yếu và việc điều trị khó khăn hơn.
“Có một giả thuyết cho rằng COVID-19 không có nguy cơ lây nhiễm cho trẻ em. Bên cạnh đó, ngoài việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kịp thời còn thấp, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng cũng là nguy cơ khiến trẻ mắc COVID-19 nặng. Nhiều gia đình đang phải sống trong các khu vực và nhà ở chật chội, khó thực hiện giãn cách xã hội”, bà nói.
Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội bên ngoài các gia đình cũng khó khăn. Khi các thành viên trong gia đình hàng ngày phải ra ngoài để làm việc hoặc kiếm việc làm.
Hơn nữa, các biến thể virus SARS-CoV-2 mới cũng có tải lượng virus cao hơn so với các biến thể khác. Điều này có nghĩa là mọi người cũng dễ bị lây nhiễm hơn.
“Brazil cần xét nghiệm COIVD-19 nhiều hơn. Nếu không xét nghiệm, giám sát và kiểm soát, virus sẽ tiếp tục lây lan trên khắp đất nước. Biến chủng mới cũng có nguy cơ lây nhiễm cao hơn”, bà nói.
Tại Indonesia, tính đến ngày 22/5, nước này đã ghi nhận tổng cộng 715 người dưới 18 tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong đó, 28 trẻ đã tử vong, theo tài liệu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn, với khoảng 160 trẻ tử vong vì COVID-19.
Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa Indonesia (IDAI), Bác sĩ Aman B Pulungan, cho biết điều này chứng tỏ nhận định nhóm tuổi dưới 18 không có nguy cơ mắc COVID-19 là không chính xác.
Nhiều trẻ em ở Indonesia đã tử vong vì COVID-19. Ảnh: Reuters
Tại Ấn Độ, không chỉ tình trạng trẻ em mồ côi do bố mẹ tử vong vì COVID-19 tăng cao, làn sóng dịch bệnh thứ 2 tàn khốc đang khiến nhiều trẻ bị nhiễm virus hơn. Mặc dù tỷ lệ tử vong ở trẻ em nhìn chung vẫn thấp, nhưng chúng đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Bác sĩ Srikanta JT, bác sĩ nhi khoa làm việc tại thành phố Bangalore, thủ phủ của bang Karnataka, cho biết trong làn sóng COVID-19 đầu tiên, dường như mỗi tuần chỉ có 1 trẻ mắc COVID-19. Nhưng theo dữ liệu từ hầu hết các trung tâm y tế Ấn Độ, làn sóng thứ 2 dường như đang tác động khá lớn đến trẻ em với số lượng tăng dần, với gần 12 đến 15 trường hợp mỗi ngày, bao gồm cả trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Trong khi hầu hết trẻ em dường như không có triệu chứng hoặc mắc bệnh nhẹ có thể được xử trí tại nhà, ngày càng có nhiều ca bệnh nặng hơn.
“Chúng tôi cũng đang chứng kiến một số trường hợp nghiêm trọng như viêm phổi nặng cần hỗ trợ thở máy đối với trẻ em mắc bệnh đái tháo đường loại 1, cùng các biến chứng như nhiễm Ketoacidosis tiểu đường, hội chứng viêm đa hệ, với tỷ lệ mắc và tử vong đáng kể. Mặc dù chỉ chiếm 5% trong nhóm bệnh nhân, nhưng số lượng này khá lớn”, ông nói.
Bên cạnh đó, việc sinh sống trong các điều kiện khắc nghiệt cũng khiến gia tăng số trẻ em mắc COVID-19 tại Ấn Độ. Bác sĩ Srikanta cho biết khi việc phong toả và các hạn chế khác được dỡ bỏ sau làn sóng dịch bệnh đầu tiên, người dân nước này có cảm giác rằng đại dịch đã được kiểm soát.
“Và hầu hết mọi người bắt đầu bỏ hoàn toàn hoặc một phần các biện pháp phòng dịch,” ông nói. “Hành vi không phù hợp này đã thổi bùng làn sóng dịch bệnh thứ 2”.
Trẻ em đeo khẩu trang để phòng COVID-19 tại một trung tâm y tế cộng đồng ở thành phố Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP
Một giả thuyết giải thích tại sao trẻ em thường ít có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn người lớn, đó là trẻ em có ít loại thụ thể được gọi là ACE2 trong đường hô hấp hơn. Các thụ thể này là con đường quan trọng khiến virus gây bệnh COVID-19 xâm nhập vào các tế bào. Theo lý thuyết, ít thụ thể ACE2 hơn, có nghĩa là virus có ít cơ hội xâm nhập vào cơ thể hơn.
“Trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên, người ta nghĩ rằng trẻ em có ít thụ thể ACE2 nên sẽ được bảo vệ an toàn trước bệnh COVID-19. Nhưng khi làn sóng thứ 2 bùng phát với một biến thể virus có độc lực mạnh hơn và khả năng trốn tránh hệ miễn dịch tốt hơn, số lượng ở trẻ em mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh đã tăng lên”, bác sĩ Srikanta nói.
Báo cáo dịch tễ học COVID-19 mới nhất của WHO cho biết trong những tuần gần đây, Ấn Độ và Brazil là hai trong số các quốc gia có số ca mắc tăng nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, Indonesia có số ca mắc mới cao thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Ấn Độ và Nepal.
Ông Robert Booy, Giáo sư nhi khoa và sức khỏe trẻ em tại Đại học Sydney (Australia) cho biết quy mô dân số của ba quốc gia này cũng có khả năng dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở trẻ em.
Song, hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu các biến thể hoặc các cơ chế khác, như cơ chế liên quan đến ACE2 được bác sĩ Srikanta mô tả, có làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em hay không. Điều này cần phải nghiên cứu thêm.
“Khi chủng virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi, nó có nguy cơ trở nên dễ lây lan hơn, đó là điều mà chúng tôi nhận thấy trong 6 tháng qua, nhưng chưa thể khẳng định nó thực sự có thể khiến bệnh COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn đối với trẻ em hay không. Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa hiểu hết về nó”, ông nói.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tai-sao-mot-so-quoc-gia-ghi-nhan-nhieu-tre-em-mac-covid19-va-tu-vong-20210523122034010.htm
Ý kiến ()