Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 16:26 (GMT +7)
‘Tâm dịch Hồ Bắc của Trung Quốc mua nhiều bộ xét nghiệm trước khi bùng phát ca COVID-19 đầu tiên
Thứ 3, 05/10/2021 | 15:38:00 [GMT +7] A A
Theo điều tra mới đây, tỉnh từng là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên ở Trung Quốc đã mua số lượng đáng kể các thiết bị được sử dụng để kiểm tra bệnh truyền nhiễm.
Các nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán ở Vũ Hán, Hồ Bắc ngày 25/2020.
Ảnh: Getty Images
Theo tờ Nikkei Asia, một báo các được nhóm điều tra người Anh, Mỹ và Australia công bố hôm 4/10 cho thấy tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đã chi 10,5 triệu USD để mua các bộ xét nghiệm sinh học phân tử (PCR), chỉ ít tháng trước khi ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào cuối năm 2019, gần gấp đôi mức mua năm 2018.
Số đơn hàng từ các trường đại học tăng gấp đôi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc tăng gấp 5 lần, cơ sở xét nghiệm động vật tăng 10 lần, trong khi lượng đơn hàng từ bệnh viện giảm hơn 10%.
Dữ liệu hàng tháng cho thấy đơn hàng mua bộ xét nghiệm PCR đã tăng từ tháng 5/2019: “Chúng tôi tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy virus đã bắt đầu lây lan từ tháng 5”, nghiên cứu cho biết.
Lượng mua hàng tăng vọt từ tháng 7 đến tháng 10/2019, đặc biệt là từ Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, một trong những cơ sở đóng vai trò trực tiếp trong phản ứng với những dịch bệnh mới nổi tại Hồ Bắc. Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán đã chi gần 1,4 triệu USD để mua bộ xét nghiệm PCR trong năm 2019, cao gấp 8 lần tổng số tiền trong năm 2018.
Xét nghiệm PCR được dùng để phát hiện các chuỗi gien nhất định trong mẫu thử, được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ giới hạn trong việc phát hiện virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng số đơn hàng tăng vọt có thể là dấu hiệu cho thấy đại dịch đã bắt đầu từ rất lâu trước khi Trung Quốc thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho biết báo cáo này không đủ thông tin để đưa ra kết luận như vậy. Thứ nhất, xét nghiệm PCR, đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều thập kỷ, đang ngày càng phổ biến vì nó đã trở thành một phương pháp tiêu chuẩn để kiểm tra mầm bệnh. Ngoài ra, thiết bị PCR cũng được sử dụng rộng rãi trong các phòng thí nghiệm để kiểm tra nhiều mầm bệnh khác bên cạnh COVID-19, bao gồm cả trên động vật và thường được tìm thấy trong các bệnh viện và phòng thí nghiệm hiện đại.
Vào thời điểm năm 2019, Trung Quốc cũng đang đối phó với đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản bác những cáo buộc trên. Trả lời Bloomberg, một người phát ngôn cho biết những phát hiện này cũng giống như các tuyên bố đáng ngờ khác về nguồn gốc của đại dịch, như việc phân tích lưu lượng giao thông gần một số bệnh viện ở Vũ Hán và tìm kiếm các từ khóa “ho” và “tiêu chảy” trước khi kết luận đợt bùng phát bắt đầu ở Vũ Hán vào đầu tháng 8/2019.
Tiến sĩ Amesh Adalja, một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết ông không rõ tại sao việc mua bộ xét nghiệm PCR tại tỉnh Hồ Bắc lại tăng lên vào thời điểm đó. Nhưng ông cho biết điều đó không quá bất ngờ vì nói chung việc mua thiết bị PCR đang ngày càng tăng, thậm chí trước đại dịch COVID-19, vì nó đã trở thành “phương pháp luận được lựa chọn để phát hiện nhiều mầm bệnh”.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một em nhỏ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày 31/7/2021.
Ảnh: Tân Hoa xã
David Robinson, trưởng nhóm điều tra, cho rằng thời gian của một số hợp đồng và các cơ quan đứng sau việc mua bán, cho thấy giới chức Hồ Bắc đang điều tra một căn bệnh mới ở người trong suốt nửa cuối năm 2019. Tuy nhiên, ông cho biết phát hiện này không phải là bằng chứng để kết luận nguồn gốc đại dịch COVID-19.
“Dữ liệu này không hỗ trợ bất kỳ kết luận nào về nguồn gốc của COVID-19. Nhưng trong tương lai, một số phần của dữ liệu này có thể hỗ trợ cho việc tìm ra nguồn gốc của đại dịch”, Robinson nói. “Báo cáo này cũng không xác định thời điểm cụ thể nơi đại dịch xuất hiện”.
Vũ Hán, thành phố lớn nằm ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, là nơi ghi nhận những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới. Ngày 31/12/2019, WHO đã được thông báo về các trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân được phát hiện tại thành phố này.
Vào ngày 7/1/2020, giới chức Trung Quốc đã xác định được một loại virus Corona mới – có tên gọi SARS-CoV-2 – gây ra đại dịch COVID-19. Kể từ đó đến nay, dịch bệnh đã lây lan cho hầu hết các quốc gia trên thế giới, với trên 230 triệu người mắc bệnh và xấp xỉ 4,8 triệu ca tử vong.
https://baotintuc.vn/the-gioi/tam-dich-ho-bac-cua-trung-quoc-mua-nhieu-bo-xet-nghiem-truoc-khi-bung-phat-ca-covid19-dau-tien-20211005112724469.htm
Ý kiến ()