Thứ Bảy, 18/01/2025 19:15 (GMT +7)

Thạnh Hóa đánh giá hiệu quả Câu lạc bộ canh tác thông minh

Thứ 3, 05/07/2022 | 10:44:17 [GMT +7] A  A

Ngày 4/7/2022, Hội Nông dân huyện Thạnh Hóa phối hợp tổ chức hội nghị “ Đánh giá kết quả mô hình trồng mai nuôi cá và hiệu quả Câu lạc bộ canh tác thông minh” tại Chi hội mai vàng xã Tân Tây. Nhân dịp này, Chi hội mai vàng Tân Tây cũng đã tiếp Đoàn cán bộ của Hội nông dân huyện Đức Huệ đến tham quan và học tập kinh nghiệm.

Hội nghị “ Đánh giá kết quả mô hình trồng mai nuôi cá và hiệu quả Câu lạc bộ canh tác thông minh” tại “Làng nghề trồng mai xã Tân Tây”

Sau khi “Làng nghề trồng mai xã Tân Tây” được công nhận, Chi hội mai vàng Tân Tây cũng được thành lập, với 60 thành viên tham gia. Năm 2021, Chi hội mai vàng Tân Tây được hỗ trợ xây dựng mô hình áp dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh vào cây mai, có 19 hộ tham gia, với tổng diện tích 10 hecta. Thực hiện mô hình, nông dân áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước, mô hình đã đem lại cho người trồng mai đủ lượng nước tưới khi hạn hán, xâm nhập mặn, công suất điện năng nhỏ, kết hợp phân bón, phun thuốc gốc nhằm giảm chi phí và nhân công tưới tiêu, chăm sóc, giảm ô nhiễm môi trường, cũng như lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác.

Tham quan vườn mai

Theo đánh giá, với 1 hecta trồng 2.000 gốc mai chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng, so với phương pháp canh tác thông thường thì mô hình tiết kiệm được 2 triệu đồng tiền điện và 8 triệu đồng tiền thuê nhân công phun xịt thuốc, bón phân mỗi năm.
Bên cạnh đó, Chi hội mai vàng Tân Tây còn được các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện hỗ trợ thực hiện mô hình trồng mai kết hợp nuôi cá, mô hình Vườn- Ao- Chuồng (VAC), có 3 hộ trong Chi hội tham gia, với tổng diện tích mặt nước 6.000 m2. Khi tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 1.000 con cá giống, như: cá tai tượng, rô phi, sặc rằn. Tận dụng kênh đào lên liếp mai, nông dân còn xây dựng chuồng trên mặt nước để nuôi gia cầm, tận dụng chất thải làm thức ăn cho cá, nhằm giảm chi phí sản xuất. Sau 6 tháng thả nuôi, trừ chi phí mỗi hộ có lãi khoảng 20 triệu đồng. Qua đánh giá, hiệu quả mô hình đem lại là rất cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trong thời gian chờ thu hoạch cây mai vàng. 

Đến nay, diện tích trồng trong Làng mai là 412 hecta, với trên 300 hộ dân tham gia

Làng nghề trồng mai xã Tân Tây bắt đầu hình thành từ năm 2003, lúc đầu có khoảng 20 hộ trồng để tạo cảnh quan, khi trồng thấy cây phát triển tốt, ít sâu bệnh. Năm 2015, xã Tân Tây được công nhận xã nông thôn mới, từ đó cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được đầu tư khan trang đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương mua bán trong vùng. Từ đó, khu vực trồng mai của xã Tân Tây ngày càng phát triển. Năm 2020 cây mai vàng xã được UBND tỉnh Quyết định công nhận là “Làng nghề trồng mai xã Tân Tây”. Đến nay, diện tích trồng trong Làng mai là 412 hecta, với trên 300 hộ dân tham gia. Bình quân mỗi hecta trồng được khoảng 2.000 gốc, sau 4 đến 5 năm chăm sóc, trừ chi phí, nông dân thu hoạch đem về lợi nhuận hơn 800 triệu đồng/hecta./.

Trung Hưng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu